Dow Jones bất ngờ phá ngưỡng 11.200 điểm

Kỳ vọng đảng Cộng hòa sẽ giành số ghế áp đảo tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã khiến nhà đầu tư tăng mua vào cổ phiếu. Mặc dù, tới cuối cùng, thị trường tăng nhẹ, nhưng trong phiên, có lúc Dow Jones đã bật qua ngưỡng 11.200 điểm.
Dow Jones có lúc tăng vượt qua mốc 11.200 điểm - Ảnh: Getty Dow Jones có lúc tăng vượt qua mốc 11.200 điểm - Ảnh: Getty

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 64,10 điểm, tương ứng 0,58%, lên 11.188,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,19 điểm, tương ứng 0,78%, lên 1.193,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,68 điểm, tương ứng 1,14%, lên 2.533,52 điểm.

 

Khối lượng chuyển nhượng trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq chỉ đạt 6,92 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình hàng ngày năm nay là 8,73 tỷ cổ phiếu. Trên sàn New York, cứ 3 cổ phiếu tăng điểm thì 1 cổ phiếu giảm điểm, còn ở sàn Nasdaq tỷ lệ này là 2/1.

 

Các chỉ số tăng điểm ngay từ đầu phiên, với biên độ tăng khá rộng, từ 0,79 - 1,01%. Vào lúc 10h sáng, chỉ số công nghiệp Dow Jones chính thức phá mốc 11.200 điểm, khi vọt lên 11.217,37 điểm, cao nhất kể từ khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ hồi tháng 9/2008 đến nay.

 

Xu hướng tăng điểm được duy trì trong hầu hết thời gian của phiên giao dịch. Mức đỉnh của thị trường được xác lập lúc 2h chiều, với các chỉ số Dow Jones đạt mức tăng 0,81%, S&P 500 tăng 1,16% và Nasdaq tăng 0,95%. Tuy nhiên, mức tăng có phần chậm lại khi tới cuối phiên.

 

Phiên hôm qua, yếu tố chi phối tâm lý nhà đầu tư là dự báo đảng Cộng hòa sẽ giành chiến thắng trong Hạ viện Mỹ trước đảng Dân chủ, điều này sẽ khiến việc thông qua các quy định mới gặp trở ngại nhất định và doanh nghiệp dễ xoay sở hơn trong bối cảnh nền kinh tế chung còn nhiều khó khăn.

 

Xuất phát từ dự báo này, cổ phiếu năng lượng tăng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500. Các nghị sỹ đảng Cộng hòa thường ủng hộ ngành công nghiệp dầu mỏ và ít có khả năng áp dụng các quy định có thể tác động làm giảm lợi nhuận của ngành này.

Kể từ tháng 9 tới nay, chỉ số S&P 500 đã tăng được 14%, chủ yếu xuất phát từ dự báo trên, cùng với những kỳ vọng của nhà đầu tư vào gói kích thích kinh tế tiếp theo sẽ được Cục Dự trữ Liên bang (FED) đưa ra sau cuộc họp kéo dài hai ngày 2-3/11.

 

Hôm qua, chỉ số đo lường trạng thái bất ổn của Phố Wall và tâm lý nhà đầu tư đã bất ngờ giảm 1,2%, sau 6 phiên tăng liên tiếp.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, nếu đảng Cộng hòa thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này, nhà đầu tư sẽ bán tháo mạnh cổ phiếu. Thực tế cho thấy, cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1994, đảng Dân chủ thất bại trước đảng Cộng hòa trong cuộc đua tại cả hai viện, chỉ số S&P 500 trong năm kế tiếp đã tăng tới 34%, mạnh nhất trong 37 năm.

 

Diễn biến cùng chiều với thị trường Mỹ, các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở châu Âu cũng lên điểm khá. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 62,81 điểm lên 5.757,43 điểm, chỉ số DAX của Đức tăng 49,45 điểm lên 6.654,31 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp cộng 24,61 điểm lên 3.865,72 điểm.

 

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số chủ chốt tăng giảm thất thường, do giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp lãi suất của FED. Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán lớn là Hồng Kông và Thượng Hải diễn biến trái chiều. Chỉ số Hang Seng tăng 18,48 điểm, lên 23.671,40 điểm, trong khi Shanghai Composite giảm 8,59 điểm, xuống 3.045,43 điểm.

Dow Jones bất ngờ phá ngưỡng 11.200 điểm ảnh 1


VNE

Tin cùng chuyên mục