Doanh số bán nhà tại Manhattan giảm mạnh nhất kể từ năm 2009

(ĐTCK) Doanh số bán nhà tại Manhattan (New York - Mỹ) giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 - thời kỳ xảy ra khủng hoảng kinh tế, khi giá nhà cao khiến người mua chần chừ.
Doanh số bán nhà tại Manhattan giảm mạnh nhất kể từ năm 2009

Doanh số bán nhà tại Manhattan giảm 25% trong quý I/2018 so với cùng kỳ năm trước đó, theo báo cáo được Miller Samuel Inc, công ty định giá và hãng môi giới Douglas Elliman Real Estate công bố. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ quý II/2009, khi thị trường bất động sản nơi đây đóng băng vì scandal Lehman Brothers Holdings Inc nộp đơn xin phá sản, kéo theo đó là những hệ lụy dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đà giảm diễn ra tại mọi phân khúc, từ bất động sản hạng sang cho tới căn hộ bình dân, căn hộ 1 phòng ngủ. Theo báo cáo, nguyên nhân chính xuất phát từ việc người mua nhận ra rằng, giá nhà không còn tăng vọt như giai đoạn trước đó, bởi vậy chần chừ để có thể mặc cả được nhiều hơn.

Bên cạnh đó, việc lãi suất tăng lên, một số giới hạn mới về giảm thuế liên bang đối với khoản vay bất động sản cũng khiến việc sở hữu nhà trở nên đắt đỏ hơn với nhiều người, khiến không ít khách hàng tiềm năng từ bỏ các thương vụ mua bất động sản.

Nếu như trước đây, mức giá mà người bán đưa ra thường cố định, ít có thay đổi thì hiện tại, tình trạng đã đảo ngược. Pamele Liebman, CEO của hãng môi giới Corcoran Group cho biết, hiện tại, ít có dấu hiệu cho thấy giá nhà sẽ đi lên. Điều này khiến nhiều người mua có hành động trả giá rất thấp và chờ đợi xem người bán sẽ nhượng bộ đến mức nào.

Đối với những người bán, họ phải chấp nhận hạ giá để hoàn thành thương vụ. 22% các vụ mua bán hoàn thành trong quý I có mức giá thấp hơn giá đề nghị, theo Miller Samuel và Douglas Elliman. 38% thương vụ người mua đồng ý mua với mức giá đề nghị, nhưng thông thường, mức giá này cũng đã được chiết khấu.

Federick Peters, CEO của hãng môi giới Warburg Realty cho biết, những ngày gần đây, ông nhận được hàng tá mail mỗi ngày thông báo giảm giá bán mỗi ngày. Dù vậy, người mua vẫn tạm treo các thương vụ, bởi lo sợ phải trả giá cao, dù giá trị vụ mua bán nhỏ tới cỡ nào.

“Gần đây, tôi có môi giới bán một căn hộ 2 phòng ngủ, người mua đồng ý trả 1,5 triệu USD - mức giá sau khi được người bán giảm khá nhiều. Đột ngột tới ngày ký kết, người mua yêu cầu giảm thêm 100.000 USD nữa. Điều này khiến thương vụ lại phải trì hoãn để tiếp tục thỏa thuận”, Peters cho biết.

Giá trung bình của các thương vụ được hoàn thành trong quý I là 1.095 triệu USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, loại căn hộ 3 phòng ngủ là giảm mạnh nhất, với giá trung bình là 3,82 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2017.

Ở góc nhìn ngược lại, Steven James, người đứng đầu khu vực New York của Doughlas Elliman cho rằng, việc số lượng các giao dịch giảm xuống thực tế là một điều tốt. Bởi nó là tín hiệu cảnh tỉnh người bán nên tính toán lại mức giá kỳ vọng của mình, khi thị trường bất động sản đang dần hạ nhiệt.

“Những người mua nhà như đang nói rằng: “Tôi đã nói rất nhiều nhưng anh không chịu nghe. Giờ thì anh đã phải chú ý tới chúng tôi, vì vậy chúng ta bắt đầu nói chuyện”. Theo tôi, đây là chỉ báo cho thấy, người bán cần phải đưa ra mức giá hợp lý thì mới có thể bán được hàng”, James cho biết.      

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục