Doanh nghiệp Trung Quốc không chịu tiêu tiền

(ĐTCK) Nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh tay của chính quyền, các công ty Trung Quốc đang “ngập” trong nguồn tiền có chi phí rẻ hơn bao giờ hết. Vấn đề là, doanh nghiệp Đại lục không muốn tiêu tiền.
Doanh nghiệp Trung Quốc không chịu tiêu tiền

Giới chức Trung Quốc đang đau đầu bởi các công ty nội địa từ chối sử dụng nguồn tiền với lãi suất thấp để thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thay vì xây các tòa nhà, công xưởng mới hay thuê thêm nhân viên, doanh nghiệp Đại lục lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng hoặc gửi tiền ra nước ngoài qua hoạt động mua tài sản xuyên biên giới.

Tình trạng này thường được gọi là “bẫy thanh khoản”. Theo đó, nhằm kích thích tăng trưởng, ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và đầu tư, dẫn tới tăng tổng cầu. Tuy nhiên, nếu việc giảm lãi suất là liên tục và xuống thấp quá mức thì mọi người chuyển sang giữ tiền mặt, thay vì gửi ngân hàng hay mua chứng khoán. Hậu quả là đầu tư tư nhân khó có thể được thúc đẩy vì ngân hàng không huy động được tiền gửi để cho vay và chứng khoán không bán được nên doanh nghiệp cũng không huy động được vốn. Khi đó, chính sách tiền tệ trở nên bất lực trong việc thúc đẩy đầu tư tư nhân và trong kích thích tổng cầu.

 “Các công ty Trung Quốc với nguồn tiền mặt dồi dào đang tìm kiếm các khoản đầu tư tại nước ngoài, giống như những gì các công ty Nhật Bản từng làm vào cuối những năm 1980, một phần bởi sức mạnh của đồng yên Nhật thay đổi sau Thỏa ước Plaza”, các nhà kinh tế học, dẫn đầu bởi Raymond Yeung tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd  viết trong báo cáo mới được công bố.

Hai thước đo nguồn cung tiền tại Trung Quốc tiếp tục diễn biến theo hướng trái chiều trong tháng 6/2016. M1, đo nguồn tiền đang lưu thông và tiền gửi ngân hàng, tăng 24,6% trong tháng 6 so với cùng thời gian năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong 6 năm. M2, là thước đo mở rộng, bao gồm cả tiền gửi tiết kiệm của người dân, tăng 11,8%, không đổi so với tháng trước đó và thấp hơn con số mục tiêu 13% mà chính phủ Trung Quốc đặt ra.

Sự ngược hướng này cho thấy động cơ chính thúc đẩy đà tăng của M1 kể từ giữa năm 2015 là nhu cầu gửi tiền của các công ty Đại lục.

Thực tế, việc trạng thái tài chính khỏe mạnh thường dẫn tới việc số nợ của các công ty tăng lên, nhưng bối cảnh hiện tại ngược lại. Mối lo ngại lớn nhất bây giờ là doanh nghiệp Trung Quốc không sử dụng tiền phục vụ cho việc mở rộng năng lực sản xuất.

Các số liệu đầu tư yếu kém đã tô đậm hơn tình trạng này. Đầu tư tư nhân tại Trung Quốc giảm 2,8% trong 6 tháng kết thúc vào tháng 6/2016, từ mức trung bình khoảng hơn 20% cách đây 2 năm.

Doanh nghiệp Trung Quốc không chịu tiêu tiền ảnh 1

“Tôi không biết phải đầu tư vào cái gì. Khá nhiều lĩnh vực công nghiệp khác mà chúng tôi từng đầu tư đều mang lại lợi nhuận quá thấp, thậm chí thua lỗ. Tôi không còn dám đầu tư nữa”, Zheng Zhe, Chủ tịch của Gulifa Group, nhà sản xuất các thiết bị năng lượng tại tỉnh Chiết Giang trả lời tờ China News Service.

Các nhà chính sách Trung Quốc tất nhiên đang lo lắng về tình trạng này. Sheng Songcheng, người đứng đầu bộ phận thống kê và phân tích tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về dấu hiệu của “bẫy thanh khoản”.

Theo ông Sheng, cần bổ sung thêm các chính sách nới lỏng tiền tệ, dù thâm hụt tài chính có thể tăng lên mức 5% GDP trong năm tài chính 2016, so với mức mục tiêu là 3%, cùng với việc cắt giảm thuế để thay đổi tình trạng này.

Một giải pháp khác, theo Larry Hu, nhà kinh tế học Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd là thay đổi tâm lý lo lắng bằng cách cổ vũ tinh thần của các doanh nghiệp.

Tất nhiên, nói dễ hơn làm.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục