Địa chính trị châu Âu khiến giới đầu tư quay cuồng

(ĐTCK) Bỏ qua thông tin về kết quả kinh doanh, giới đầu tư toàn cầu đang hướng sự tập trung chính của mình về tình hình địa chính trị tại châu Âu. Liên tục có những thông tin mới khác nhau về tình hình khu vực này khiến giới đầu tư trở tay không kịp.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Giá dầu giảm trở lại sau 4 phiên tăng liên tiếp khiến nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 0,5%, tạo ra những đợt rung lắc nhẹ cho phố Wall lúc đầu phiên. Tuy nhiên, với hy vọng Hy Lạp có thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ để giúp tình hình khu vực đồng euro ổn định đã thúc đẩy giới đầu tư mua vào, giúp phố Wall tăng mạnh sau đó.

Ngoài nhóm năng lượng, 9/10 nhóm chỉ số khác của S&P đều hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba, trong đó dẫn đầu là nhóm tiện tích, chăm sóc sức khỏe.

Theo một báo cáo của MNSI, một nguồn tin giấu tên cho biết, Ủy ban châu Âu không có đề xuất chính thức nào để giải quyết các vấn đề nợ của Hy Lạp, mặc dù các cuộc đàm phán với hàng loạt cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro và các lãnh đạo EU tại Brussels đang ở phía trước. Tuy nhiên, Ủy ban dự kiến sẽ đưa ra một đề nghị thỏa hiệp với Hy Lạp. Theo đó, Hy Lạp sẽ yêu cầu một khoảng thời gian 6 tháng để thảo luận và đồng ý với tất cả những người cho vay các vấn đề đang thảo luận và một kế hoạch sau gói cứu trợ.

Bên cạnh đó, tình hình Ukraine cũng không quá căng thẳng như lo ngại trước đó cũng góp phần giúp giới đầu tư lấy lại sự bình tĩnh.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số Dow Jones tăng 139,55 điểm (+0,79%), lên 17.868,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,85 điểm (+1,07%), lên 2.068,59 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 61,63 điểm (+1,30%), lên 4.787,64 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dữ liệu thâm hụt thương mại kỷ lục của Anh trong năm 2014 khiến chứng khoán Anh, cũng như các thị trường khác giảm điểm trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch. Tuy nhiên, sau khi thông tin về tình hình Hy Lạp có lối ra được công bố, các chỉ số đã lần lượt quay đầu. Trong đó, chứng khoán Đức và Pháp hồi phục khá, trong khi chứng khoán Anh cũng hãm mức giảm đến mức tối thiểu. Chứng khoán Hy Lạp tăng tới 8%.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 8,03 điểm (-0,12%), xuống 6.829,12 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 90,32 điểm (+0,85%), lên 10.753,83 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 44,57 điểm (+0,96%), lên 4.695,65 điểm.

Trên thị trường châu Á, chứng khoán Nhật Bản cũng chịu tác động tiêu cực từ các thông tin về tình hình Hy Lạp và Ukraine đưa ra trước đó. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp lớn đã giúp chỉ số Nikkei 225 hãm bớt đã giảm. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông hồi phục nhẹ trở lại nhờ chứng khoán đại lục. Chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ khởi động chương trình kích thích kinh tế sau một loạt dữ liệu kếu kém của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được công bố.

Một thông tin khác, theo dữ liệu vừa công bố hôm thứ Ba, lạm phát Trung Quốc trong tháng 1 đã giảm xuống mức thấp 5 năm, chủ yếu do giảm giá hàng hóa nguyên liệu do dầu thô và nhu cầu yếu. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 0,8% trong tháng 1/2015 so với năm trước. Trung Quốc cũng bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính trong tuần thứ 7 liên tiếp, trong một nỗ lực để thúc đẩy nền kinh tế của mình.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 59,25 điểm (-0,33%), xuống 17.652,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 7,10 điểm (+0,03%), lên 24.528,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 46,47 điểm (+1,50%), lên 3.141,59 điểm.

Trên thị trường vàng, những nhà đầu tư không vội vã mua vào trong phiên đầu tuần sau một loạt thông tin không mấy tích cực được công bố đã tỏ ra tỉnh táo. Trong phiên giao dịch hôm thứ Ba, giá vàng đã đảo chiều giảm trở lại sau khi tình hình Hy Lạp lại có thông tin mới theo chiều hướng tích cực, trong khi tình hình Ukraine không quá đáng lo ngại như trước đó khi cuộc hội đàm giữa Nga, Đức, Pháp về vấn đề Ukraine dù chưa có kết quả cụ thể, nhưng đang có những tín hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, đồng USD cũng tăng mạnh trở lại trong phiên này cũng gây áp lực, khiến vàng nhanh chóng đảo chiều và đánh mất gần như toàn bộ những gì đã có được trong phiên đầu tuần.
Tuy nhiên, cũng giống như phiên tăng đầu tuần, phiên giảm ngày thứ Ba của giá vàng cũng khá khiêm tốn, giá kim loại quý này chủ yếu là lình xình, bởi các thông tin hỗ trợ, cũng như tiêu cực chưa dứt khoát.

Dù tình hình Hy Lạp có vẻ như đã có lối ra với đề xuất từ Ủy ban châu Âu, tuy nhiên, Đức vẫn giữ thái độ cứng rắn với Hy Lạp khi nói rằng, quốc gia này cần phải tôn trọng các nghĩa vụ của mình đã cam kết trước đó.

Kết thúc phiên 10/2, giá vàng giao ngay giảm 5 USD (-0,40%), xuống 1.233,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 9,3 USD/ounce (-0,75%), xuống 1.232,2 USD/ounce.

Sau 4 phiên tăng giá ấn tượng, giá dầu thô đã giảm mạnh hơn 5% trở lại trong phiên thứ Ba khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo giá dầu sẽ giảm trong ngắn hạn khi các kho dự trữ dầu đang gia tăng. Theo đó, các kho dự trữ của các nước thành viên tổ chức về Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có thể tiệp cận mốc kỷ lục 2,83 tỷ thùng vào giữa năm 2015.

IEA cũng dự đoán nhu cầu dầu mỏ từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ở mức 29,4 triệu thùng/ngày trong năm nay và cho biết, Mỹ mức tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ tạm thời dừng lại trước khi lấy lại đà tăng.

Triển vọng của IEA đã giảm nhiều so với báo cáo hàng tháng của OPEC vào thứ Hai khi tổ chức này tổ chức này tăng dự báo nhu cầu thêm 430.000 thùng/ngày so với trước đó, lên mức 29,2 triệu thùng/ngày.

Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) bồi thêm đòn vào giá dầu khi trong báo cáo hôm thứ Ba cho biết, năm 2015 và năm 2016, kỳ vọng sản lượng dầu trong nước hầu như không thay đổi so với báo cáo tháng trước.

Ngoài ra, trước đó, các chuyên gia của Citi Group cũng nhận định rằng, giá dầu có thể xuống 20 USD/thùng và vai trò của OPEC sẽ chấm dứt sau 50 năm điều tiết giá dầu thế giới. Lý do các chuyên gia Citi đưa ra là do sự phát triển của ngành khai thác dầu đá phiến ở Mỹ, ngày càng cạnh tranh gay gắt với dầu mỏ.

Kết thúc phiên 10/2, giá dầu thô Mỹ giảm 2,84 USD/thùng (-5,37%), xuống 50,02 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,91 USD (-3,3%), xuống 56,43 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục