Đến lúc ông Draghi mở cửa cống

(ĐTCK) Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã đưa ra tín hiệu rõ ràng trong tuần trước rằng, việc nới lỏng tiền tệ sẽ được tiến hành trong tháng 6. 
Đến lúc ông Draghi mở cửa cống

Điều đó sẽ được chào đón, nhưng là quá muộn và, rất có thể, quá ít. Ông Draghi đã cứu nguy cho đồng euro (eurozone) hồi tháng 7/2012 khi tuyên bố rằng “trong phận sự của mình, ECB sẽ làm tất cả để giữ gìn đồng euro”. Chủ tịch ECB cần hứa làm tất cả thêm một lần nữa, để loại bỏ năng lực dư thừa và tăng lạm phát lên 2% cho eurozone. Nếu không, khủng hoảng có thể trở lại.

Nhiều nhà phân tích, trong đó có Martin Wolf, nhà bình luận kinh tế của Financial Times, từng bày tỏ sự nghi ngờ đối với hiệu quả của chương trình Giao dịch tiền tệ giao ngay (OMT). Nhưng rốt cuộc, lời hứa có điều kiện của ECB về việc mua trái phiếu chính phủ trên các thị trường thứ cấp này đã tỏ ra rất hiệu quả khi chấm dứt được sự sợ hãi, cho dù nó chưa bao giờ được thực hiện. Cùng với cam kết của các nước yếu về thắt chặt chi tiêu và cải cách, lời hứa của ông Draghi đã có tác dụng khai thông các thị trường nợ công. Các chính sách gia cảm thấy thỏa mãn và các nhà đầu tư tưởng tượng cuộc khủng hoảng đã đi qua.

Một dấu hiệu là sự giảm xuống của lợi suất trái phiếu 10 năm. Hôm 8/5, trái phiếu Ai Len có lợi suất 2,7%; Tây Ban Nha, 2,9%; Italia, 3,0%; và Bồ Đào Nha, 3,5%. Thậm chí lợi suất trái phiếu Hy Lạp cũng chỉ còn 6,2%. Tất cả các nước này đều có thặng dư cán cân thanh toán trong năm qua, một phần do nhu cầu nội địa sụt giảm và phần khác do năng lực cạnh tranh được cải thiện. Kết hợp với sự phục hồi của niềm tin thị trường, điều này đang giúp giảm bớt các bất cân bằng về tài chính, từng khiến một vài ngân hàng trung ương quốc gia trong khu vực đồng euro nợ đầm đìa ngân hàng khác. Báo cáo triển vọng kinh tế của OECD dự báo tăng trưởng 1,9% ở Ai Len; 1,1% ở Bồ Đào Nhà; 1% ở Tây Ban Nha và 0,5% ở Italia trong năm 2014. Đây là một sự trở lại đáng mừng.

Tuy nhiên, cho đến cuối năm ngoái, các nền kinh tế này vẫn có quy mô thấp hơn từ 6 đến 9% so với trước khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn rất cao, đặc biệt là ở Tây Ban Nha. Hy Lạp còn tồi tệ hơn. Ngoài ra, các thị trường tín dụng vẫn chưa phục hồi, điều mà OCED cũng nhấn mạnh.

Trên tất cả, theo OECD, vào năm 2015, tổng nợ công của Tây Ban Nha sẽ đạt 109% GDP; Ai Len là 133%; Bồ Đào Nha, 141%; Italia, 147%; và Hy Lạp, 189%. Ngay cả nếu lợi suất trái phiếu vẫn ở các mức thấp và các nước này cân bằng được ngân sách gốc (không kể lãi suất) dài hạn, GDP danh nghĩa phải tăng đến 3% (với Hy Lạp thì cần cao hơn) mới hy vọng giữ được tỷ lệ nợ công ổn định.

Vậy ECB có thể giúp được gì? Cuối năm ngoái, GDP thực tế của khu vực đồng euro thấp hơn 3% so với quý I/2008. Đây là một dấu hiệu của hiện tượng dư thường năng lực. Bên cạnh đó, M3 - cung tiền mở rộng - chỉ tăng lũy kế 7% trong thời gian từ tháng 9/2008 đến tháng 3/2014, trong khi GDP danh nghĩa tăng 4% từ quý I/2008 đến quý IV/2013. Đáng ngạc nhiên, bảng cân đối của ECB hiện đang co lại. Ngân hàng rõ ràng đang không làm công việc của mình. Một chính sách cung tiền rộng hơn có thể giúp tăng sản lượng đáng kể và đẩy lạm phát đi lên.

Giờ hãy giả định lạm phát lõi là 2% và nền kinh tế eurozone mạnh lên đều đặn. Điều này sẽ không làm tăng lợi suất trái phiếu của các nước yếu theo cùng một mức. Thêm nữa, một chính sách mở rộng cung tiền sẽ làm tăng lạm phát nhiều hơn ở các nước trung tâm so với các nước ngoại vi eurozone, nơi mà năng lực dư thừa được tập trung. Điều đó cũng sẽ đẩy nhanh quá trình điều chỉnh về năng lực cạnh tranh.

ECB đúng khi nói Ngân hàng không thể một mình giải quyết được các vấn đề của khu vực đồng euro. Nhưng ECB có thể và nên làm nhiều hơn để kích cầu cho khu vực. Ngân hàng cũng có thể giúp tăng cường tín dụng ở các nước yếu hơn. Tóm lại, ECB cần một lần nữa trưng ra những gì mà Ngân hàng đã chứng tỏ với OMT.

Một động thái hạ lãi suất về mức âm là một phần của câu trả lời. Tương tự là một chương trình mua tài sản với đối tượng được mua là các tài sản ở khu vực tư nhân có thế chấp và nợ chính phủ. Việc này cũng có thể giúp làm giảm sự đứt đoạn dai dẳng của các thị trường tín dụng trên khắp eurozone.

Ngoài ra, việc tạo thị trường cho các tài sản được chứng khoán hóa, ban đầu có ECB chống lưng, phải là một phần của quá trình thoát khỏi khủng hoảng. Các ngân hàng thương mại đang đóng vài trò quá lớn. Nếu hoạt động đánh giá lại chất lượng tài sản của ECB tìm ra được những lỗ hổng lớn về vốn của các ngân hàng, eurozone sẽ cần một kế hoạch để lấp đầy chúng. Nếu tất cả những điều này được làm với một nỗ lực thực sự, eurozone có thể ngừng chệch choạng và lấy lại sinh lực để bước tiếp.          

Quang Huy(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục