Đảo chiều chóng vánh, Dow Jones lùi xa mốc 10.000 điểm

Đã khá lâu nhà đầu tư ở Phố Wall mới được chứng kiến phiên đảo chiều chóng vánh của thị trường đến vậy.
Phiên đầu tuần, 27/30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones đều mất điểm - Ảnh: Reuters. Phiên đầu tuần, 27/30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones đều mất điểm - Ảnh: Reuters.

Chứng khoán Mỹ đã tiếp tục mất điểm phiên đầu tuần với biên độ xấp xỉ phiên trước đó. Giới đầu tư lo ngại những nhà làm luật sẽ để cho quy định hỗ trợ tín dụng cho người lần đầu mua nhà hết hiệu lực (theo quy định, Chính phủ Liên bang sẽ hỗ trợ 8.000 USD cho người lần đầu mua nhà), qua đó sẽ tác động xấu tới thị trường bất động sản, cũng như ảnh hướng không tốt tới khối ngân hàng.

 

Bên cạnh đó, đồng USD bất ngờ lên giá khiến giá hàng hóa cơ bản chịu áp lực đi xuống và khiến thị trường chứng khoán cũng vì thế giảm sâu.

 

27/30 cổ phiếu trong Dow Jones mất điểm

 

Chỉ mất 8 phút đầu giờ giao dịch, Dow Jones đã chinh phục mốc 10.000 điểm, mở ra niềm hy vọng cho đa số các nhà đầu tư. Lực cầu gia tăng mạnh mẽ tiếp tục đẩy cả ba chỉ số tăng điểm ấn tượng, trong đó Nasdaq có lúc tăng gần 1,5%, Dow Jones lên ngưỡng gần 10.070 điểm, tăng hơn 1% so với phiên trước đó.

 

Những tưởng thị trường sẽ có được phiên giao dịch thành công thì các thông tin tiêu cực ập tới. Đồng USD phục hồi mạnh khiến thị trường không còn duy trì được đà tăng. Cổ phiếu khối hàng hóa cơ bản được đẩy mạnh bán ra, kéo theo sự giảm giá của cổ phiếu ngành khác.

 

Thị trường thực sự đứng trước áp lực bán tháo cổ phiếu khi thông tin nhiều khả năng quy định hỗ trợ tín dụng cho người lần đầu mua nhà sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/11/2009, qua đó khiến doanh số bán nhà có nguy cơ suy giảm. Thông tin này đã trực tiếp dẫn tới hành động bán mạnh cổ phiếu khối xây dựng, kinh doanh nhà và khối ngân hàng.

 

Đã khá lâu nhà đầu tư Phố Wall mới được chứng kiến sự đảo chiều chóng vánh đến như vậy. Dow Jones từ đỉnh 10.069,9 điểm được thiết lập lúc 11h09 (giờ địa phương) đã nhanh chóng rớt xuống ngưỡng 9.935 điểm, giảm 135 điểm. Chưa dừng lại ở đó, Dow Jones tiếp tục có đợt giảm lần thứ hai và thiết lập đáy trong ngày ở mức 9.856 điểm vào lúc 14h35.

 

Cổ phiếu khối tài chính trong nhóm giảm điểm mạnh nhất khi chỉ số S&P Tài chính hạ 2,5%, trong đó cổ phiếu JPMorgan giảm 3,1%, cổ phiếu Bank of America xuống 5,1%. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones khối xây dựng nhà hạ 2,4%: cổ phiếu Toll Brothers mất 4,2%, cổ phiếu Lennar Corp hạ 4%, cổ phiếu Beazer Home xuống 4,4%.

 

Phiên đầu tuần, 27/30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones đều mất điểm, các cổ phiếu khối hàng hóa cơ bản đều đi xuống, trong đó cổ phiếu của nhà sản xuất nhôm Alcoa hạ 3,13%, cổ phiếu của hai hãng năng lượng Chevron và Exxon Mobil giảm lần lượt là 1,6% và 0,46%.

 

Ngay cả đến cổ phiếu Verizon cũng mất 0,66%, xuống 28,66 USD/cổ phiếu, dù lợi nhuận của hãng trong quý 3 đạt 2,89 tỷ USD, tương đương 41 cent/cổ phiếu; doanh thu tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 27,27 tỷ USD - cả doanh thu và lợi nhuận đều vượt dự báo.

 

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 26/10: chỉ số Dow Jones giảm 104,22 điểm, tương đương 1,05%, chốt ở mức 9.867,96.

 

Chỉ số Nasdaq hạ 12,62 điểm, tương đương -0,59%, chốt ở mức 2.141,85.

 

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 trượt 12,65 điểm, tương ứng -1,17%, đóng cửa ở mức 1.066,95.

 

Khối lượng giao dịch phiên này trên sàn New York đạt 1,39 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm. Trên Nasdaq, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 2,34 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm.

 

 

Chứng khoán châu Á khởi sắc trước nhiều tin tốt

 

Ngày 26/10, chứng khoán châu Á đã lên điểm nhờ tin GDP của Hàn Quốc tăng vượt dự báo và Toyota bất ngờ công bố có lãi.

 

Hầu hết các thị trường châu Á đều khởi sắc phiên đầu tuần, cổ phiếu khối công nghiệp và hàng tiều dùng là nhân tố đầu tàu dẫn dắn thị trường lên điểm. Cổ phiếu của Toyota đã tăng 7,4% sau khi hãng công bố có lãi. Cổ phiếu của nhà sản xuất ôtô lớn thứ hai Hàn Quốc Kia cũng tăng 1,9%.

 

Dù thị trường có được sắc xanh trên bảng điện tử nhưng biên độ tăng của các chỉ số đều không cao - ngoại trừ KOSPI của Hàn Quốc lên trên 1% vì trực tiếp đón nhận tin tức tích cực, còn các chỉ số khác chỉ có mức tăng dưới 0,8%.

 

Riêng thị trường Việt Nam trong vài phiên trở lại đây luôn có diễn biến trái chiều với chứng khoán châu Á, và phiên ngày 26/10 này cũng không phải là ngoại lệ. Kết thúc phiên, VN-Index giảm 1,03%.

 

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này tăng 0,5% lên 120,12 điểm, thị trường cứ có 5 cổ phiếu tăng điểm thì có 3 cổ phiếu giảm điểm.

 

Liên quan đến thị trường Hàn Quốc, Ngân hàng Trung ương nước này vừa cho biết GDP quý 3 đã tăng 2,9% so với quý 2/2009. Như vậy GDP của Hàn Quốc đã tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Xuất khẩu trong quý 3 tăng 5,1% so với quý 2. Đầu tư tư nhân tăng 8,9%, từ mức tăng 10,1% quý trước. Chi tiêu dùng tăng 1,4%, chỉ tiêu chính phủ giảm 0,8% và chi đầu tư xây dựng cơ bản giảm 2,1%.

 

Đón thông tin tăng trưởng kinh tế vượt dự báo, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã có phiên tăng điểm mạnh nhất so với các thị trường chứng khoán trong khu vực. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI tăng 16,94 điểm, tương đương 1,03%, chốt ở mức 1.657,11.

 

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,25%. Chỉ số ASX của Australia mất 0,56%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 0,05%. Chỉ số BSE của Ấn Độ mất 0,4%. Chỉ số Nikkei 225 lên 0,77%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc nhích 0,06%.

 

* Thị trường chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch nhân ngày lễ.

Đảo chiều chóng vánh, Dow Jones lùi xa mốc 10.000 điểm ảnh 1


VNE

Tin cùng chuyên mục