Cuộc tranh giành kho báu 17 tỷ USD từ chiến hạm đắm năm 1708

Một công ty Mỹ đang đấu tranh với chính quyền Tây Ban Nha và Colombia để giành quyền sở hữu tàu chiến San José chứa kho báu 17 tỷ USD.
Trận đánh khiến tàu San José bị chìm ngày 28/5/1708. Ảnh: War History. Trận đánh khiến tàu San José bị chìm ngày 28/5/1708. Ảnh: War History.

Năm 1981, công ty Sea Search Armada của Mỹ phát hiện một xác chiến hạm Tây Ban Nha bị đắm trước đó 300 năm ở vùng biển ngoài khơi Colombia.

Họ không ngờ rằng nó sẽ trở thành trung tâm của cuộc chiến pháp lý kéo dài tới ngày nay với chính phủ Tây Ban Nha và Colombia, theo War History.

Con tàu này được xác định là San José, bị hải quân Anh đánh chìm vào tháng 6/1708 trong cuộc chiến giành quyền kế vị ngôi vua của Tây Ban Nha.

Kể từ đó, nó là xác tàu được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới, không chỉ bởi tầm quan trọng lịch sử mà còn nhờ kho báu gồm vàng, bạc và ngọc lục bảo trị giá 17 tỷ USD trên tàu.

Năm 1700, vua Charles II của Tây Ban Nha qua đời nhưng không có người kế vị thực sự do không có con nối dõi. Việc chọn người kế thừa ngôi vua Tây Ban Nha là vấn đề gây tranh cãi giữa các cường quốc châu Âu khi đó.

Họ hàng thân cận nhất của Charles II là hoàng tộc Habsburg ở Áo và gia tộc Bourbon tại Pháp. Việc Charles II trao quyền cho Philip, Công tước xứ Anjou thuộc hoàng tộc Bourbon, đã bị các cường quốc khác phản đối, cho rằng quyết định này sẽ làm mất thế cân bằng quyền lực.

Năm 1701, Áo, Hà Lan, Anh và Thánh chế La Mã thành lập Đại Liên Minh ủng hộ quyền kế vị của hoàng tộc Habsburg, khơi mào cuộc Chiến tranh Kế vị với Pháp và Tây Ban Nha sau đó một năm.

Trong phe Đại Liên Minh, Anh được giao nhiệm vụ chặn các tàu hàng đến Tây Ban Nha để cung cấp tài chính cho cuộc chiến. Các tàu chiến Anh nhiều lần tấn công tàu Tây Ban Nha để cướp hàng hóa có giá trị.

Ngày 28/5/1708, một trận hải chiến nổ ra giữa ba chiến hạm Tây Ban Nha gồm San José, San Joaquin và Santa Cruz với 4 tàu chiến Anh. Trong lúc giao tranh, tàu San José bị bắn trúng kho đạn, gây ra phản ứng nổ dây chuyền khiến nó chìm xuống đại dương cùng khoảng 600 thủy thủ và toàn bộ hàng hóa.

Con tàu nằm dưới đáy biển suốt ba thế kỷ, cho tới khi được công ty Sea Search Armada phát hiện. Chính phủ Colombia không công nhận kết quả tìm kiếm của công ty Mỹ nên tự tổ chức một cuộc thăm dò mới và phát hiện xác tàu San José vào năm 2015.

Cả Sea Search Armada và Tây Ban Nha đang khởi kiện Colombia về quyền sở hữu xác tàu này.  

 Mẫu tàu lặn có thể được Colombia dùng trong chiến dịch tìm kiếm. Ảnh: Kongsberg.

Chính quyền Tây Ban Nha cho rằng tàu San José được thiết kế, đóng, hạ thủy và treo cờ Tây Ban Nha nên vẫn là tài sản của nước này.
Trong khi đó, Sea Search Armada tuyên bố có quyền trục vớt vì họ tìm thấy xác tàu đầu tiên. Colombia cho rằng tàu chìm trong lãnh hải của họ và nước này mặc nhiên có quyền sở hữu.

Về mặt pháp lý, Colombia dường như là bên đang chiếm lợi thế trong cuộc tranh chấp. Tàu San José hiện nằm ở độ sâu hơn 600 m, vị trí của nó được Sea Search Armada giữ bí mật từ năm 1981.

Colombia đã nhờ sự hỗ trợ của Viện Hải Dương Học Wood Hole tại bang Massachusetts, Mỹ để tìm kiếm xác tàu. Đơn vị này có thể triển khai tàu lặn tự động để xác định, chụp ảnh địa điểm tàu đắm.

Chính phủ Colombia cũng tuyên bố muốn xây bảo tàng và cơ quan bảo tồn để lưu trữ, bảo vệ các hiện vật lấy từ tàu đắm sau khi mọi vấn đề pháp lý được giải quyết.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục