Cuộc 'thanh trừng' của Trump tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ

Bộ An ninh Nội địa Mỹ chưa từng phải chịu sự hỗn loạn nhân sự cấp cao nào lớn như dưới thời Trump kể từ khi thành lập năm 2002.
Ông Trump gọi điện tại Phòng Bầu dục tháng 11/2018. Ảnh: Reuters. Ông Trump gọi điện tại Phòng Bầu dục tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.

Nhà Trắng ngày 8/4 thông báo về việc "rời chức vụ" của Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) Randolph "Tex" Alles, trong khi các nguồn tin của CNN cho hay chính Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cho quyền Chánh văn phòng Mick Mulvaney sa thải Alles.

Giới quan sát cho rằng đây là động thái mới nhất của Tổng thống Trump trong cuộc "thanh trừng" Bộ An ninh Nội địa (DHS), đơn vị chủ quản USSS.

Sự ra đi của Alles chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen buộc phải từ chức sau cuộc gặp tại Nhà Trắng với Trump đã khiến các quan chức cấp cao tại bộ này hoang mang về số phận của họ, nhiều người được dự báo là sẽ sớm "nối gót" trong cuộc thanh trừng chưa có dấu hiệu dừng lại này.

"Họ đang chặt tay chặt chân toàn bộ cơ quan chúng tôi", một quan chức DHS nói, nhấn mạnh rằng Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra lý do cho việc sa thải Alles.

Không khí bất an lan ra cả Cục Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA), cơ quan đang trống ghế lãnh đạo sau khi giám đốc William "Brock" Long ra đi hồi tháng 2. Các quan chức giấu tên của DHS dự đoán Giám đốc Sở Di trú và Công dân Mỹ L. Francis Cissna cùng Trưởng phòng Pháp chế John Mitnick sẽ là những người tiếp theo bị sa thải.

Kể từ khi Bộ An ninh Nội địa được thành lập ngày 25/11/2002, các đời tổng thống Mỹ luôn coi sự ổn định tại DHS là ưu tiên hàng đầu với an ninh quốc gia cũng như các nỗ lực chống khủng bố và rộng hơn là sự bình yên của nước Mỹ.

Với hơn 20 cục và cơ quan dưới cục, DHS chịu trách nhiệm giám sát hệ thống nhập cư, không gian mạng, biên giới trên bộ và trên biển, cũng như ứng phó với thiên tai và bảo vệ quan chức.

Tuy nhiên, Trump gần đây ngày càng giận dữ với việc DHS không thể giảm bớt lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, khiến một trong những cam kết tranh cử quan trọng nhất của ông có nguy cơ thất bại.

Nhiều quan chức chính quyền cho biết Trump hướng nỗi bực tức của mình vào toàn bộ ban lãnh đạo của DHS và muốn một cuộc "tảo thanh" toàn diện.

 Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ Randolph "Tex" Alles. Ảnh: Reuters.

Điều khiến Trump tức giận hơn với chính sách nhập cư của DHS chính là phán quyết của một thẩm phán liên bang ở California hôm 8/4 chặn chương trình thử nghiệm "Ở lại Mexico", trong đó chính phủ Mỹ sẽ đẩy trả hàng trăm người nhập cư trái phép trở lại Mexico trong lúc đơn xin tị nạn của họ được xử lý.

Các quan chức DHS coi đây là một trong những sáng kiến quan trọng nhất của Bộ trưởng Nielsen và hy vọng nó sẽ được áp dụng rộng rãi trên toàn tuyến biên giới với Mexico. Việc chương trình bị chặn tước đi của Bộ An ninh Nội địa một công cụ hữu hiệu để răn đe dòng người di cư đang tìm cách tràn vào nước Mỹ.

Thượng nghị sĩ Ron Johnson, chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Chính phủ và An ninh Nội địa của Thượng viện, cho rằng cuộc khủng hoảng biên giới do dòng người di cư lớn nhất trong nhiều thập kỷ tạo ra đang trở nên phức tạp hơn với việc quá nhiều lãnh đạo của DHS liên tiếp ra đi trong thời gian ngắn.

"Tôi lo ngại với tình trạng thiếu lãnh đạo ngày càng gia tăng trong Bộ An ninh Nội địa, cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý những vấn đề quan trọng bậc nhất mà nước Mỹ đang đối mặt", Johnson viết trên Twitter.

Các quan chức đương nhiệm và về hưu của DHS nói rằng không tổng thống Mỹ nào trước Trump đẩy các cơ quan an ninh của đất nước vào tình cảnh hỗn loạn như vậy. Trump tuần trước bất ngờ rút lại quyết định đề cử Ronald Vitiello làm giám đốc Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ, nói rằng ông muốn một ứng viên có chiều hướng "cứng rắn hơn". Cả Alles và Vitiello đều báo cáo cho Bộ trưởng Nielsen.

Trump đã cảm thấy khó chịu với Nielsen trong nhiều tháng gần đây, dù ông thỉnh thoảng vẫn khen ngợi bà nếu mọi việc tiến triển tốt. Cách đây hai tuần, Trump bày tỏ ý định đóng cửa biên giới, nhưng Nielsen và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ra sức can ngăn.

Nielsen nói với một số trợ lý rằng bà cảm thấy không thoải mái với một số yêu cầu của Tổng thống, đặc biệt là kế hoạch đóng cửa biên giới, và có cảm giác rằng Trump không hiểu nhiều về những điều luật liên quan đến nhập cư.

"Ông ấy chỉ muốn có hành động quyết liệt", một quan chức Nhà Trắng giấu tên nói. "Nhưng chúng tôi không thể làm thế".

Trump (trái) và Bộ trưởng An ninh Nội địa Niesel tại Nhà Trắng năm 2018. Ảnh: AP

Khi nhận được tin vào tuần trước rằng hơn 103.000 người nhập cư đã tới biên giới Mexico trong tháng 3, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, Trump đã nổi giận.

Ông càng tức giận hơn khi nhận thấy Nielsen và các quan chức DHS không đóng cửa biên giới và thay đổi quy định để nhanh chóng ngăn cản người nhập cư kéo tới Mỹ xin tị nạn.

Bà Nielsen sẽ rời nhiệm sở vào ngày 10/4, khi Kevin McAleenan, cục trưởng Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ, tới nhậm chức quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa. Việc thuyên chuyển công tác của McAleenan khiến Cục Hải quan và Biên phòng, cơ quan hành pháp lớn nhất của Mỹ, bị trống ghế điều hành.

Stephen Miller, cố vấn cấp cao của Trump, là một trong những tiếng nói hàng đầu trong việc hối thúc Tổng thống "tảo thanh" DHS, khuyến khích Trump nhắm tới toàn bộ ban lãnh đạo của bộ này chứ không phải chỉ những cục chịu trách nhiệm về chính sách nhập cư hay bảo vệ biên giới, các trợ lý Nhà Trắng cho hay.

"Nhập cư là vấn đề then chốt với Tổng thống, nhưng nó đang vượt tầm kiểm soát vì nhiều lý do", Mark Krikorian, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư, nói.

Krikorian cho rằng khi cuộc bầu cử tổng thống 2020 không còn xa, Trump "cần cho thấy vài thành tựu" trong kiểm soát cuộc khủng hoảng biên giới và đang làm tất cả mọi thứ có thể để thu được thành tựu đó.

Ngay sau khi đắc cử, Trump đã bổ nhiệm cựu tướng thủy quân lục chiến John Kelly làm Bộ trưởng An ninh Nội địa, như một cách trấn an dư luận rằng một tỷ phú không có kinh nghiệm chính trị như ông đang nhận được sự hỗ trợ từ các lãnh đạo quân đội và chuyên gia an ninh hàng đầu.

Alles, tướng thủy quân lục chiến nghỉ hưu, được Trump chọn làm Giám đốc Cơ quan Mật vụ vào năm 2017. Ông là lãnh đạo đầu tiên của cơ quan này không được bổ nhiệm từ lực lượng mật vụ trong ít nhất 100 năm qua.

Nhưng chỉ hai năm sau, Trump ngày càng tin rằng Kelly cùng những quan chức DHS thân cận với ông này hoạt động không hiệu quả. Kelly chuyển sang làm Chánh văn phòng Nhà Trắng từ tháng 7/2017, nhưng mối bất hòa giữa ông này với Trump ngày càng tăng lên.

Sau khi Nhà Trắng thông báo thay thế Kelly bằng quyền Chánh văn phòng Mick Mulvaney từ ngày 14/12/2018, Kelly đã đưa ra một số bình luận mà Trump coi là lời chỉ trích nhắm vào chính quyền của ông. Trump lúc đó cũng mỉa mai Nielsen vì quan hệ gần gũi giữa bà này với Kelly.

Richard Staropoli, cựu quan chức DHS dưới thời Trump, cho rằng Tổng thống đang tìm cách loại bỏ những lãnh đạo được bổ nhiệm theo đề cử của Kelly. "Ông ấy được thúc đẩy bởi John Kelly", Staropoli nói. "Tổng thống thích các tướng quân đội, nhưng có vẻ như giờ đây ông ấy đang muốn ‘dọn nhà’".

"Trump khiến mọi người có cảm giác ông ấy đang loại bỏ mọi ‘tàn dư của Kelly’", Jonathan Wackrow, cựu quan chức dưới thời tổng thống Obama, nói.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục