Công ty chứng khoán Trung Quốc ngồi trên đống lửa với 240 tỷ USD cho vay

(ĐTCK) Các công ty chứng khoán Trung Quốc đang sở hữu khối nợ thế chấp bằng cổ phiếu hơn 240 tỷ USD và rủi ro ngày càng lớn hơn khi thị trường chứng khoán theo đà lao dốc.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang theo đà đi xuống, tạo rủi ro cho các cổ phiếu đang thế chấp tại CTCK Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang theo đà đi xuống, tạo rủi ro cho các cổ phiếu đang thế chấp tại CTCK

Theo Morgan Stanley, nếu tính cả cổ phiếu được ký quỹ của những người sáng lập công ty và nhiều nhà đầu tư tổ chức khác, khối nợ của các công ty chứng khoán Trung Quốc hiện tương đương 103% vốn, tăng mạnh so với khoảng 16% năm 2013. Nếu các khoản nợ này gặp vấn đề, thì 11% giá trị thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ bị thổi bay.

Các khoản nợ này tưởng chừng đang ở trạng thái an toàn, nhất là khi thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa đạt đỉnh cao nhất 2 năm trong tháng 1/2018. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 1, các nhà đầu tư đã bán tháo 2 nghìn tỷ USD trên thị trường, làm xấu đi các tài sản đang thế chấp tại các công ty chứng khoán.

Không ít chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường chứng khoán Đại lục đã bước vào giai đoạn đi xuống. Đà bán tháo sẽ còn diễn ra trong bối cảnh giới chức nước này siết chặt hoạt động ngân hàng ngầm (các tổ chức tài chính phi ngân hàng cho vay tiền mua chứng khoán, bất động sản), đồng nhân dân tệ giảm giá và những căng thẳng trong mối quan hệ thương mại với Mỹ. Chưa kể, các công ty chứng khoán khó có khả năng nhanh chóng xử lý được số cổ phiếu ký quỹ bởi các quy định hiện tại trên thị trường.

“Các công ty chứng khoán Đại lục có quá ít công cụ phòng hộ để giảm thiểu tổn thất nếu các khoản cho vay ký quỹ trở nên xấu đi. Với việc giá trị của các cổ phiếu sụt giảm, cổ phiếu ký quỹ trở thành tài sản không có sự đảm bảo, trong khi doanh nghiệp không thể kiểm soát được giá trị hay thanh khoản trên thị trường”, Sean Hung, chiến lược gia cấp cao tại Moody’s Investors Service Hong Kong nhận định.

Với triển vọng không lấy làm lạc quan, cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng theo đà lao dốc, bên cạnh áp lực chung từ đà giảm của thị trường. Chỉ số đo sức mạnh của các công ty chứng khoán niêm yết tại Đại lục của Bloomberg đã giảm 27% trong năm nay, so với mức giảm 17% của chỉ số Shanghai Composite, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Trong số các công ty chứng khoán niêm yết, Haitong Securities Co, Citic Securities Co và Guotai Junan Securities Co là những doanh nghiệp cung cấp khoản vay ký quỹ lớn nhất tính tới tháng 3/2018, theo số liệu của China International Capital Corp. Tuy nhiên, các công ty nhỏ hơn như Industrial Securities Co, Soochow Securities Co và Guosen Securities Co mới là đối tượng đáng lo ngại nhất, bởi giá trị các khoản cho vay đã vượt quá 74% tổng tài sản.

Trước đó, theo Hiệp hội Các công ty chứng khoán Trung Quốc, 131 doanh nghiệp ngành này có tổng lợi nhuận 113 tỷ nhân dân tệ (17 tỷ USD) trong năm 2017, giảm 9% so với năm trước đó.

Một số vụ việc diễn ra mới đây khi khoản vay ký quỹ có vấn đề càng khiến các thành viên thị trường trở nên lo ngại đối với rủi ro của khối công ty chứng khoán.

Theo đó, Western Secutities Co, công ty chứng khoán có trụ sở tại tỉnh Thiểm Tây, đã phải xóa sổ khoản cho vay trị giá 439 triệu nhân dân tệ đối với ông Jia Yueting, người sáng lập Leshi Internet Information & Technology Corp, sau khi doanh nhân này rơi vào tình trạng phá sản và cổ phiếu của Công ty giảm hơn 90% so với mức đỉnh. Những tổn thất này lên tới hơn 30% giá trị thu nhập ròng của Western Securities trong năm tài chính gần nhất.

Vụ việc này cho thấy, công ty chứng khoán phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ vỡ nợ, theo Sean Hung, bởi cổ phiếu của Công ty Leshi đã ngừng giao dịch từ  tháng 4/2017 – biện pháp mà các doanh nghiệp gặp khó khăn thường sử dụng tại thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trong khi tài sản của ông Jia đã bị tòa án đóng băng vì đơn khởi kiện của các chủ nợ khác. 

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục