Cổ phiếu trôi dốc 3 phiên, “sếp” HSBC viết tâm thư trấn an cổ đông

CEO ngân hàng HSBC Noel Quinn hôm 3/4 gửi thư tới các cổ đông tại Hong Kong để giải thích quyết định việc hủy trả cổ tức trong tuần này và trấn an nhà đầu tư về tiềm lực tài chính của ngân hàng này.
Thị trường Hong Kong đóng góp tới 55% lợi nhuận trước thuế năm 2018 của HSBC. Ảnh: AFP Thị trường Hong Kong đóng góp tới 55% lợi nhuận trước thuế năm 2018 của HSBC. Ảnh: AFP

Tờ South China Morning Post cho rằng, điểm bất thường trong động thái trên là vị CEO viết thư tới các cổ đông sau khi cổ phiếu HSBC có 3 phiên trượt dốc liên tiếp trong tuần này và vốn hóa thị trường "bay hơi" 15 tỷ USD. Trước đó, ngân hàng này đã quyết định hủy trả tạm ứng cổ tức cuối năm 2019 và khẳng định sẽ không trả cổ tức ít nhất sau quý III/2020.

Theo yêu cầu từ Cơ quan Quản lý An toàn của Ngân hàng Quốc gia Anh, HSBC cùng 6 ngân hàng và tổ chức xây dựng có trụ sở chính tại Anh đã quyết định hủy trả cổ tức vào ngày 1/4 - sớm hơn lịch chi trả dự kiến và sẽ không mua bất kỳ cổ phiếu quỹ nào trong năm nay.

Trước đó, Cơ quan Quản lý An toàn tối 31/3 (giờ London) đã yêu cầu HSBC và các ngân hàng khác tuân thủ yêu cầu trên - một động thái mà cơ quan này gọi là biện pháp đề phòng cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc về tác động của quyết định (hủy chi trả cổ tức) đối với ông/bà, gia đình và doanh nghiệp của ông/bà”, CEO của HSBC viết trong thư. “Chúng tôi nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của cổ tức đối với các cổ đông tại Hong Kong. Chúng tôi thực sự đánh giá cao sự ủng hộ của ông/bà trong vai trò một cổ đông và chúng tôi không bao giờ coi đó là điều hiển nhiên”, ông Quinn nói thêm.

HSBC và Standard Chartered là 2 ngân hàng Anh niêm yết tại Hong Kong có cổ phiếu “chịu đòn” trong tuần qua sau khi chấp thuận yêu cầu từ Cơ quan Quản lý An toàn của Ngân hàng Trung ương Anh. Cổ phiếu HSBC lao dốc 14,2% kể từ khi mở phiên 1/4 - ngày HSBC hủy trả cổ tức, còn cổ phiếu Standard Chartered trượt tới 11,2%.

Cả 2 ngân hàng trên đều có trụ sở tại London, nhưng phần lớn doanh thu lại đến từ thị trường châu Á và Hong Kong là thị trường lớn nhất của 2 ngân hàng này.

Số liệu cho thấy, thị trường Hong Kong đóng góp tới 55% lợi nhuận trước thuế năm 2018 của HSBC. Tính đến cuối năm 2019, số dư tài khoản của các khách hàng tại Hong Kong lên tới 499,9 tỷ USD, tương đương 35% trong tổng số số 1.440 tỷ USD số dư tài khoản toàn cầu của ngân hàng này.

Trước đó, HSBC đã lên kế hoạch trả tạm ứng cổ tức cuối cùng năm 2019 là 0,21 USD/cổ phiếu vào ngày 14/4.

Cổ tức đặc biệt quan trọng với các cổ đông HSBC tại Hong Kong bởi khoảng 1/3 cổ đông này là các nhà đầu tư bán lẻ và nguồn thu chính của họ là cổ tức.

“Hành động của chúng tôi là thực hiện yêu cầu từ phía cơ quan quản lý chính (Cơ quan Quản lý An toàn của Ngân hàng Trung ương Anh). Động thái thận trọng đó là chưa từng có từ trước đến nay, nhưng mục đích là để ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng hiện tại và cả trong dài hạn”, ông Quinn viết trong thư.

Tuy nhiên, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong không cho rằng việc các ngân hàng tại Hong Kong hoãn chi trả cổ tức hay mua cổ phiếu quỹ là cần thiết bởi ngành ngân hàng vẫn đủ vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay.

Trước đó, một số ngân hàng lớn nhất tại Mỹ và châu Âu cũng đồng ý ngưng trả cổ tức ít nhất đến tháng 7 sau khi trao đổi với các cơ quan quản lý tiền tệ sở tại.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục