Cổ phiếu hàng tiêu dùng bị bán tháo, Phố Wall giảm điểm

(ĐTCK) Cổ phiếu Amazon bị bán tháo đã đẩy Phố Wall giảm điểm trong phiên cuối tuần, tình hình cũng không khá hơn với chứng khoán châu Âu bởi nỗi lo Ukraine, trong khi giá vàng tiếp tục tăng mạnh.
Kết quả kinh doanh tích cực không giúp Phố Wall tránh khỏi tuần giảm điểm - Ảnh: Reuters Kết quả kinh doanh tích cực không giúp Phố Wall tránh khỏi tuần giảm điểm - Ảnh: Reuters

Phố Wall giảm điểm trong phiên đầu tuần khi làn sóng bán tháo cổ phiếu hàng tiêu dùng, đặc biệt là Amazon, cũng như kết quả kinh doanh kém tích cực của Ford.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng thận trọng hơn khi căng thẳng ở Ukraine gia tăng. Hôm thứ Sáu, Mỹ và 4 đồng minh châu Âu đã nhất trí các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Nga khi nước này tiến hành cuộc tập trận gần biên giới với Ukraine.

Theo dữ liệu mới nhất được công bố, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4 do Thomson Reuters và Đại học Michigan tiến hành tăng lên mức cao nhất 9 tháng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ lại chậm hơn.

Kết thúc phiên 25/4, chỉ số Dow Jones giảm 140,19 điểm (-0,85%), xuống 16.361,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,21 điểm (-0,81%), xuống 1.863,40 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 72,78 điểm (-1,75%), xuống 4.075,56 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,3%, chỉ số S&P 500 giảm 0,1% và chỉ số Nasdaq mất 0,5%.

Việc Ukraine khởi động lại hành động quận sự chống lại những người biểu tình ở miền Đông, đặc biệt, lực lượng Ukraine đã nổ súng làm thiệt mạng 5 người thuộc những người biểu tình ủng hộ Nga khiến Nga nổi giận và tiến hành tập trận gần biên giới Ukraine. Động thái này của Nga khiến Mỹ và châu Âu tăng biện pháp trừng phạt Matxcơva. Những diễn biến tình hình Ukraine khiến giới đầu tư chứng khoán châu Âu lo lắng đẩy mạnh bán ra, kéo chứng khoán châu Âu giảm, trong đó, đặc biệt là chứng khoán Đức.

Kết thúc phiên 25/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 17,31 điểm (-0,26%), xuống 6.685,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 147,13 điểm (-1,54%), xuống 9.401,55 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 35,91 điểm (-0,80%), xuống 4.443,63 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản phục hồi khi lạm phát trong tháng 4 của nước này thấp hơn so với dự kiến, giúp giới đầu tư kỳ vọng còn dư địa để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đà phục hồi của chứng khoán Nhật Bản bị che lấp bởi sắc đỏ bao trùm các thị trường chứng khoán châu Á khác, đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông.

Kết thúc phiên 25/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 24,27 điểm (+0,17%), lên 14.429,26 điểm. Chứng khoán Hồng Kông giảm 339,27 điểm (-1,50%), xuống 22.223,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 20,51 điểm (-1,00%), xuống 2.036,52 điểm.

Tình hình căng thẳng ở Ukraine tiếp tục hỗ trợ giá vàng, giúp vàng có tuần tăng tốt sau tuần giảm mạnh trước đó. Trong tuần tới, giá vàng sẽ có nhiều thông tin tác động, ngoại trừ tình hình Ukraine, còn có cuộc chính sách của Ủy ban thị trường mở (FOMC) thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và bảng lương phi nông nghiệp.

Theo cuộc khảo sát của Kitco, trong 33 người được hỏi, 19 người trả lời thì có 12 người dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 4 người cho rằng giá sẽ giảm và 3 người cho rằng giá sẽ đi ngang hoặc không thay đổi.

Kết thúc phiên 25/4, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 9,9 USD (+0,77%),lên 1.303,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 10,2 USD (+0,79%), lên 1.300,8 USD/ounce.

Giá dầu nhanh chóng giảm mạnh trở lại sau phiên tăng vọt trước đó do lực chốt lời. Kết thúc phiên 25/4, giá dầu thô Mỹ giảm 1,34 USD (-1,33%), xuống 100,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,75 (-0,68%), lên 109,58 USD/thùng.

T.Lê tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục