Citigroup và BoA tạo áp lực đẩy Phố Wall mất điểm

Ngày 28/4, lo ngại về dịch cúm và tin Citigroup, Bank of America (BoA) có thể phải tăng vốn đã đẩy chứng khoán Mỹ mất điểm.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giảm điểm thứ hai trong tuần - Ảnh: Reuters. Chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giảm điểm thứ hai trong tuần - Ảnh: Reuters.

Hôm thứ Ba, Standard & Poor's/Case-Shiller đã công bố chỉ số giá nhà ở Mỹ trong tháng 2/2009 giảm gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 2/2009, chỉ số giá nhà ở 20 khu vực trung tâm tại Mỹ đã giảm 2,2% so với tháng 1/2009.

 

Cùng ngày, Tổ chức nghiên cứu Conference Board của Mỹ cho biết, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng ở nước này trong tháng 4/2009 đã tăng vọt lên 39,2 điểm, từ mức 26,9 điểm trong tháng 3/2009.

 

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, tờ Wall Street Journal vừa loan tin về việc nhà chức trách Mỹ cho biết Bank of America và Citigroup có thể sẽ phải tăng vốn sau khi có kết quả kiểm tra về tình trạng sức khỏe 19 ngân hàng lớn nhất ở nước này.

 

Ngay sau đó, người phát ngôn của Bank of America, Citigroup và Cục Dự trữ Liên bang đều bác bỏ thông tin trên. Tuy nhiên, nguồn tin của Wall Street Journal thường có độ chính xác cao nên giới đầu tư đã có phản ứng tiêu cực khi tăng mạnh lượng bán cổ phiếu của hai ngân hàng này, qua đó gây áp lực giảm điểm đối với thị trường.

 

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Citigroup sẽ thực hiện việc tăng vốn theo yêu cầu của Chính phủ nếu kết quả cuộc kiểm tra được công bố. Tuy nhiên, nếu phải tăng vốn thì ngân hàng này sẽ tự thực hiện chứ không cần hỗ trợ của Chính phủ Mỹ.

 

Liên quan đến Tập đoàn Chrysler LLC, Washington Post vừa cho biết Bộ Tài chính Mỹ đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc với các chủ nợ của Chrysler LLC để tránh cho hãng này không phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Chi tiết về thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Mỹ và chủ nợ của Chrysler LLC vẫn chưa được tiết lộ, nhưng đây cũng là thông tin tốt đối với ngành công nghiệp ôtô Mỹ.

 

Các chỉ số mất điểm vào cuối ngày giao dịch

 

Ngày 28/4, Tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới - Pfizer cho biết lợi nhuận sau thuế quý 1/2009 của hãng đạt 2,73 tỷ USD, tương đương 40 cent/cổ phiếu - giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của Pfizer đạt 10,87 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 180 triệu USD so với dự báo của giới phân tích. Cổ phiếu của Pfizer đã giảm 0,74% xuống 13,39 USD/cổ phiếu.

 

Thông tin chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng Tư tăng mạnh, có lúc đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc. Tuy nhiên kết thúc phiên, cả ba chỉ số chứng khoán vẫn tiếp tục duy trì phiên giảm điểm thứ hai trong tuần.

 

Chứng khoán Mỹ đã mất điểm vào những phút cuối của ngày giao dịch trước những lo ngại về dịch cúm lợn đang lây lan nhanh và thông tin về việc hai ngân hàng lớn của Mỹ có khả năng phải tăng vốn.

 

Chỉ số KBW khối ngân hàng đã mất 2,9% do sự trượt giảm của nhiều cổ phiếu, trong đó cổ phiếu Citigroup mất 5,86%, cổ phiếu Bank of America hạ 8,63%, cổ phiếu Wells Fargo trượt 4,24%,...

 

Điểm đáng chú ý trong phiên này là sự phục hồi trở lại của cổ phiếu khối vận tải hàng không sau nhiều ngày giảm điểm, trong đó cổ phiếu Southwest Airline tăng 3,92%, cổ phiếu American Airline lên 1,06%,...

 

Cổ phiếu của IBM đã tăng 1,94% lên 101,9 USD/cổ phiếu, sau khi hãng này thông báo nâng mức chi trả cổ tức lên 55 cent/cổ phiếu và chi 3 tỷ USD để mua lại cổ phiếu quỹ.

 

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 28/4: chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 8,05 điểm, tương đương -0,1%, chốt ở mức 8.016,95.

 

Chỉ số Nasdaq phiên này mất 5,6 điểm, tương đương -0,33%, chốt ở mức 1.673,81.

 

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 xuống 2,35 điểm, tương đương -0,27%, đóng cửa ở mức 855,16.

 

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,25 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.581 cổ phiếu mất điểm và có 1.409 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,1 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.547 cổ phiếu giảm điểm và có 1.110 cổ phiếu lên điểm.

 

* Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

 

Thứ Tư: Công bố số liệu về GDP quý 1/2009 của Mỹ; FED công bố quyết định về lãi suất; kết quả kinh doanh của General Dynamics, Time Warner, Starbucks và Visa.

 

Thứ Năm: Báo cáo số liệu những người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; số liệu về chi tiêu và thu nhập của người dân Mỹ; kết quả kinh doanh của ExxonMobil, Cardinal Health, Colgate-Palmolive, Ericsson, Motorola, Viacom và MetLife.

 

Thứ Sáu: Công bố số liệu về doanh số bán xe ôtô; số liệu về chỉ số ISM ngành sản xuất công nghiệp; các đơn đặt hàng từ nhà máy ở Mỹ; trường Đại học Michigan và hãng tin Reuters công bố kết quả thăm dò về lòng tin của người tiêu dùng; kết quả kinh doanh của Chevron, Clorox, MasterCard và Simon Property.

 

Chứng khoán châu Âu đảo chiều giảm điểm

 

Chứng khoán châu Âu đã đồng loạt mất điểm trước thông tin về khả năng Bank of America, Citigroup phải tăng vốn và tình trạng dịch cúm lợn đang gây nên những lo ngại đối với nhiều ngành.

 

Cổ phiếu ngành vận tải hàng không, khai mỏ, công nghiệp đều giảm điểm mạnh trước lo ngại về dịch cúm đang lan rộng.

 

Cổ phiếu British Airways mất 5,4%; cổ phiếu Rio Tinto hạ 6,3%, cổ phiếu Anglo American trượt 5,6%; cổ phiếu ArcelorMittal xuống 6,1%, cổ phiếu ABB giảm 5,1%.

 

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 70,61 điểm, tương đương -1,69%, chốt ở mức 4.096,4. Khối lượng giao dịch đạt 2 tỷ cổ phiếu.

 

Chỉ số DAX của Đức hạ 1,85%, khối lượng giao dịch đạt 36 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,66%, khối lượng giao dịch đạt 166 triệu cổ phiếu.

 

Chứng khoán châu Á mất điểm vì BoA và Citigroup

 

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương mất 2,1% xuống 87,32 điểm - đây là phiên giảm điểm thứ hai trong tuần.

 

Ngày 28/4, Bộ Thương mại Nhật cho biết, doanh thu bán lẻ trong tháng 3/2009 ở nước này đã giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 5,7% trong tháng 2/2009. Thị trường việc làm bị ảnh hưởng và mức lương giảm khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, qua đó đẩy doanh thu bán lẻ ở Nhật giảm tháng thứ bảy liên tiếp.

 

Doanh thu bán lẻ giảm sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong một thông báo ra ngày 27/4, Bộ Tài chính Nhật đã đưa ra dự báo GDP của nước này sẽ tăng trưởng âm 3,3% trong quý 1/2009.

 

Chứng khoán Nhật hôm thứ Ba đã quay đầu giảm điểm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. Thông tin về Bank of America và Citigroup có thể sẽ phải tăng vốn, đã gây nên những lo ngại với thị trường tài chính Nhật.

 

Cổ phiếu Mizuho Financial Group mất 1,48%, Mitsubishi UFJ Financial Group hạ 0,59%, cổ phiếu Nomura Holdings trượt 4,76%...

 

Cùng giảm điểm trong phiên này có cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn do đồng Yên lên giá và nhiều công ty công bố kết quả kinh doanh thua lỗ. Cổ phiếu Sharp mất 8,8% sau khi thông báo lỗ quý thứ hai liên tiếp; cổ phiếu Nippon Steel mất 5,2% sau khi báo cáo kết quả kinh doanh không khả quan và triển vọng sẽ không có lợi nhuận trong năm 2009.

 

Ngược lại, dịch cúm lợn lại giúp cổ phiếu của các hãng sản xuất, phân phối hàng dược phẩm và sản xuất khẩu trang y tế tăng điểm. Cổ phiếu của Chugai Pharmaceutical tăng 1,9%, cổ phiếu Fujibo Holdings tiến thêm 33,3%, cổ phiếu Daiwabo lên 27,7%...

 

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 232,57 điểm, tương đương -2,67%, chốt ở mức 8.493,77. Khối lượng giao dịch đạt 2,5 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.377 cổ phiếu tăng điểm và có 257 cổ phiếu giảm điểm.

 

Chuyển qua thị trường khác, chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông vừa lên kế hoạch bán nhiều nhất là 100 tỷ Đô la Hồng Kông (12,9 tỷ USD) trái phiếu có kỳ hạn 5 và 10 năm.

 

“Việc phát hành trái phiếu sẽ giúp phát triển thị trường trái phiếu Hồng Kông bởi vì hiện tại hoạt động tài chính của các công ty phụ thuộc vào thị trường chứng khoán và các khoản vay ngân hàng”, ông K.C. Chan, người đứng đầu cơ quan tài chính, kho bạc Hồng Kông nói.

 

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Hang Seng đã giảm 285,31 điểm, tương đương -1,92%, chốt ở mức 14.555,11.

 

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 1,9%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mất 2,95%. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 0,16%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ hạ 2,39%. Chỉ số ASX của Australia xuống 0,5%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc hạ 0,16%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.025,00 8.016,95 Down    8,05 Down0,10
Nasdaq 1.679,41 1.673,81 Down    5,60 Down0,33
S&P 500 857,51 855,16 Down    2,35 Down0,27
Anh FTSE 100 4.167,01 4.096,40 Down  70,61 Down1,69
Đức DAX 4.694,07 4.607,42 Down  86,65 Down1,85
Pháp CAC 40 3.102,43 3.051,02 Down  51,41 Down1,66
Đài Loan Taiwan Weighted 5.705,05 5.596,73 Down108,32 Down1,90
Nhật Nikkei 225 8.726,34 8.493,77 Down232,57 Down2,67
Hồng Kông Hang Seng 14.840,42 14.555,11 Down285,31 Down1,92
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.339,83 1.300,24 Down  39,59 Down2,95
Singapore Straits Times 1.820,18 1.805,30 Down  13,31 Down0,73
Trung Quốc Shanghai Composite 2.403,53 2.401,44 Down    3,91 Down0,16
Ấn Độ BSE 30 11.290,39 11.100,11 Down271,74 Down2,39
Australia ASX 3.690,00 3.671,70 Down  18,30 Down0,50
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg


VNE

Tin cùng chuyên mục