CIMB Group chưa thi đấu đã gần như nắm phần thắng

(ĐTCK) Ngày 26/6, Bank Negara Malaysia, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã chính thức “bật đèn xanh” cho Maybank và CIMB Group, hai tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn thứ nhất, nhì nước này được phép xúc tiến đàm phán để mua lại Ngân hàng RHB Capital. Với giá trị vốn hoá thị trường 20,2 tỷ ringgit (6,7 tỷ USD), RHB Capital là ngân hàng thương mại lớn thứ 5 ở Malaysia.
CIMB Group chưa thi đấu đã gần như nắm phần thắng

Dự kiến, ngân hàng mới hình thành trên cơ sở sáp nhập Maybank - RHB Capital hoặc CIMB Group - RHB Capital đều có thể trở thành ngân hàng thương mại lớn nhất khu vực Đông Nam Á (xét theo giá trị vốn hoá thị trường), vượt Ngân hàng DBS của Singapore.

Quan điểm chính thức của Bank Negara Malaysia là, sắp tới Malaysia chỉ cần có 5 ngân hàng thương mại, chứ không cần tới 10 như hiện nay. Vì vậy, việc Maybank và CIMB Group cùng vào “thi đấu” để mua lại RHB Capital được coi là “bước khởi đầu cho việc kiện toàn hệ thống ngân hàng thương mại Malaysia”. Thực ra, từ tháng 3 năm nay, sau khi Ngân hàng Abu Dhabi Commercial Bank (Các tiểu Vương quốc Ả – rập thống nhất - UAE), cổ đông lớn của RHB Capital chính thức rao bán 25% cổ phần của RHB Capital, thì cả hai ngân hàng Maybank và CIMB Group đều đã có động thái xúc tiến để mua lại. Song muốn thâu tóm được RHB Capital, thì người mua nhất thiết phải qua 1 cửa nữa là Employees Provident Fund (EPF), quỹ lương hưu hiện sở hữu 45% cổ phần của RHB Capital. Và nay, Bank Negara Malaysia chính thức cho phép Maybank và CIMB Group cùng cạnh tranh một cách bình đẳng và lành mạnh giành quyền mua lại RHB Capital. 

Ông Danny Wong, nhà quản lý Quỹ Đầu tư Acera Capital (Malaysia) sở hữu cổ phiếu của cả 3 ngân hàng trên nhận xét, đối với cả CIMB lẫn Maybank, việc mua lại được RHB Capital sẽ mở ra tương lai phát triển đầy hứa hẹn. Xét về thực lực, CIMB và  Maybank đều có thế mạnh riêng và nhìn chung, không thua kém nhau nhiều lắm. CIMB mạnh về mảng ngân hàng đầu tư, trong khi Maybank lại rất khoẻ về mảng ngân hàng bán lẻ.

“Đối với CIMB, có thêm RHB Capital sẽ giúp cho mảng ngân hàng bán lẻ mạnh hơn lên. Đây là sự bổ sung cần thiết, bởi mảng ngân hàng đầu tư của CIMB đã khá mạnh. Còn với Maybank, nếu thành công trong việc mua lại RHB Capital, thì mảng ngân hàng đầu tư của ngân hàng cũng được cải thiện”, ông Danny Wong phân tích.    

Năm ngoái, Maybank đã thành công trong việc mua lại Công ty môi giới chứng khoán Kim Eng Holdings ( Singapore ), với giá 1,4 tỷ USD.

Theo một số nhà phân tích, để sang một bên chuyện giá cả, cho dù đây là nội dung quan trọng nhất ở bất kỳ vụ mua bán và sáp nhập (M&A) nào, thì CIMB Group hiện có một số ưu thế nhất định thể hiện ở vị thế của ông Nazir Razak, 45 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO). So với ông Abdul Wahid Omar, CEO Maybank, ông Nazir Razak là một nhân vật rất có máu mặt và đang ở đỉnh cao phong độ.

Ông Nazir Razak chính là em trai của Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak (và là con của nguyên Thủ tướng Abdul Razak Hussein). Hơn nữa, bà Azlina Aziz, vợ ông Nazir Razak là con gái của Tan Sri Aziz Taha, nguyên Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia . Khỏi cần phải nói, ông Nazir Razak có một lợi thế rất lớn trong các mối quan hệ cấp cao mà đối thủ không có được.

Không ít ý kiến cho rằng, CIMB Group chưa thi đấu chính thức, song hầu như đã nắm phần thắng trong việc giành quyền thâu tóm RHB Capital.

Đánh giá một cách khách quan và sòng phẳng, ông Nazir Razak là một CEO rất có năng lực và kinh nghiệm trong việc thực hiện các vụ M&A.

Lên nắm chức CEO CIMB Group từ tháng 10/2006, ông Nazir Razak đã thực hiện thành công 19 vụ M&A, với tổng giá trị 2,32 tỷ USD.

Năm ngoái, CIMB Group đã mua lại 60% cổ phần của Ngân hàng Bank of Commerce (Philippines), với giá 12,2 tỷ pesos (287 triệu USD). Còn gần đây nhất, trong tháng 4/2012, CIMB Group đã đạt được thoả thuận trả 88,4 triệu bảng Anh (440 triệu ringgit) để tiếp quản lại toàn bộ các chi nhánh ngân hàng đầu tư của Royal Bank of Scotland (RBS - Vương quốc Anh) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không chỉ giỏi trong thực hiện M&A, CIMB Group còn đang rất có uy tín trong việc tư vấn và bảo lãnh việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho nhiều doanh nghiệp muốn lên sàn.

Ví dụ điển hình nhất là ngày 28/6, với sự tham gia tư vấn của CIMB Group, Felda Global Ventures Holdings Bhd (FGVH), một trong những tập đoàn sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới của Malaysia đã thực hiện thành công IPO tại Sở GDCK Kuala Lumpur (Malaysia). Giá cổ phiếu của FGVH đã tăng tới 18% ngay trong ngày đầu lên sàn. Với giá trị hơn 3,3 tỷ USD, IPO của FGVH là IPO lớn nhất châu Á và lớn thứ 2 thế giới, kể từ đầu năm đến nay, chỉ sau IPO của Facebook (Mỹ). Mục tiêu mà ông Nazir Razak đặt ra là đến năm 2015, giá trị vốn hoá thị trường của CIMB Group đạt 100 tỷ ringgit (31 tỷ USD) có thể sẽ thành hiện thực ngay vào cuối năm nay, nếu việc mua lại RHB Capital diễn ra suôn sẻ.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục