Chuyện ở Philips: Tân CEO, tân chính sách

(ĐTCK-online) Ông Frans van Houten, 51 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) Philips, hãng sản xuất đồ điện gia dụng lớn nhất châu Âu của Hà Lan vừa có một quyết định táo bạo là rút lui khỏi mảng sản xuất TV các loại.
Chuyện ở Philips: Tân CEO, tân chính sách

Đây là quyết định lớn đầu tiên của ông Frans van Houten kể từ khi lên nắm quyền CEO từ ngày 1/4 vừa qua. Lý do chính dẫn đến quyết định trên là các loại TV do Philips sản xuất ra không thể cạnh tranh về giá cả với hai tập đoàn Samsung và LG của Hàn Quốc, vì vậy sản phẩm bán không chạy, bị lỗ triền miên. Từ năm 2007 đến nay, Bộ phận TV của Philips lỗ gần 1 tỷ euro, nếu tiếp tục theo đuổi thì… càng làm, càng lỗ. Trong quý I/2011, lợi nhuận thuần của Philips chỉ đạt 138 triệu euro (198 triệu USD), giảm 31,3% so với quý I/2009 (201 triệu euro). Trong khi riêng mảng TV lỗ 87 triệu euro trong quý I/2011.

Philips sẽ dừng không sản xuất TV nữa, mà dùng bộ phận này tham gia vào liên doanh với TPV Technology (chuyên sản xuất màn hình, có trụ sở chính tại Hồng Kông).

TPV Technology sẽ nắm 70% cổ phần của liên doanh, còn Philips sở hữu 30% còn lại. Tuy nhiên, có một điều khoản quan trọng ở đây là, trong vòng 6 năm tới, Philips sẽ nhượng dần lại toàn bộ 30% cổ phần của mình cho TPV Technology. Lúc đó, Philips mới thực sự chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh TV. Đồng thời, Philips sẽ nhượng lại các bản quyền sản xuất TV, quyền sử dụng thương hiệu của mình cho Hãng Funai tại Mỹ và cho Công ty Videocom ở Ấn Độ.

TPV hiện nắm giữ 33% thị phần màn hình máy tính cá nhân trên toàn cầu và làm ăn có lãi. Năm 2010, doanh thu của TPV là 11,6 tỷ USD, lợi nhuận thuần là 163 triệu USD, tăng 20% so với năm 2009. Vì thế, TPV mới có thể “ôm” lại bộ phận sản xuất TV của Philips để tính tới chuyện phát triển mạnh hơn sau này.

Ông Frans van Houten cũng thông báo, trong 6 tháng cuối năm nay, sẽ công bố chiến lược kinh doanh mới có nhiều thay đổi lớn so với chiến lược hiện nay.

Ngoài ra, ông Frans van Houten cho rà soát lại các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) do người tiền nhiệm, ông Gerard Kleisterlee thực hiện trong vài năm gần đây. Đó là vụ mua lại Công ty Respironics (với giá 3,6 tỷ euro vào cuối năm 2007); vụ mua lại Công ty Genlyte (với giá 2,7 tỷ USD vào đầu năm 2008)… Theo ông Frans Van Houten, hai vụ mua lại trên chưa đem lại hiệu quả thiết thực, cần phải xem lại để có cách xử lý thích hợp.

Philips tháo lui khỏi lĩnh vực sản xuất TV các loại cũng đồng nghĩa với việc ở châu Âu không còn doanh nghiệp sản xuất TV ở phân khúc trung bình, mà chỉ còn hai hãng sản xuất TV ở phân khúc cao cấp nhất là Bang & Olufsen (Đan Mạch) và Loewe AG (Đức). Đây là cơ hội để các hãng châu Á như LG, Samsung (Hàn Quốc), TCL (Trung Quốc), Sony, Toshiba (Nhật Bản)… chiếm lĩnh thêm thị phần ở châu Âu.

Những người hoài cổ sẽ cảm thấy buồn khi Philips càng ngày càng teo lại. Năm 2004, Hãng đã bán toàn bộ mảng màn hình máy tính cá nhân cho chính TPV Technology. Năm 2006, Philips đã buộc lòng phải rời khỏi lĩnh vực sản xuất điện thoại di động và cho bộ phận sản xuất thiết bị bán dẫn ra “ở riêng”. Còn nay, Philips lại buông mảng TV một cách từ từ.

Philips hiện là doanh nghiệp sản xuất các thiết bị ánh sáng (đèn các loại…) lớn nhất thế giới và là một trong 3 nhà sản xuất thiết bị y tế (máy chẩn đoán bằng hình ảnh, chụp cắt lớp…) lớn nhất toàn cầu, bên cạnh General Electric (GE) của Mỹ và Siemens của Đức. Với khoảng 119.000 nhân viên làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, Philips có doanh thu năm 2010 đạt 25,42 tỷ euro.

Không ít ý kiến cho rằng, ông Frans van Houten đã có quyết định sáng suốt khi dám mạnh dạn cắt bỏ bộ phận không sinh lời để tập trung mọi nguồn lực cho hai mảng thiết bị ánh sáng và máy móc, thiết bị y tế, vốn đang nắm vai trò chủ lực và tạo ra doanh thu, lợi nhuận chính cho Philips hiện nay.

Ông Frans van Houten là tân CEO, song lại là người cũ ở Philips. Năm 1986, khi mới 26 tuổi, ông đã gia nhập Philips vào làm nhân viên Bộ phận marketing và bán hàng tại Philips Data Systems. Ông đã nắm nhiều vị trí quản lý trong Công ty và đã làm việc tại Mỹ, Đức, Singapore . Năm 2002, ông được bổ nhiệm làm đồng CEO của Philips Consumer Electronics, rồi năm 2004 là CEO của Philips Semiconductors. Sau khi bộ phận này được tách ra khỏi Philips lấy tên mới là NXP Semiconductors, ông đi theo để làm CEO. Sau đó, ông về làm cho Tập đoàn tài chính ING Groep NV và phụ trách việc tách 2 mảng ngân hàng và bảo hiểm ra thành 2 bộ phận độc lập. Sau khi hoàn thành công việc to lớn này, ông lại được Philips mời về và giao toàn quyền quản lý, điều hành.

Việc thay đổi chính sách cho phù hợp với tình hình mới là chuyện các CEO mới lên nắm quyền thường làm, miễn là phải mang lại hiệu quả và phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục