Chứng khoán Trung Quốc nhận trợ lực để leo dốc

(ĐTCK) TTCK Trung Quốc có dấu hiệu tăng nhiệt khi ngân hàng trung ương nước này có thêm động thái nới lỏng chính sách nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Chứng khoán Trung Quốc nhận trợ lực để leo dốc

Chỉ số ChiNext đã tăng thêm hơn 1,2% trong phiên giao dịch cuối tuần qua, nâng mức tăng lên 19,3% so với mức thấp gần nhất vào ngày 6/6/2019.

Nhà đầu tư mạnh tay rót vốn vào các cổ phiếu công nghệ, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số này, với kỳ vọng doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách nới lỏng của Chính phủ Trung Quốc.

ChiNext là sàn chứng khoán hoạt động theo mô hình sàn Nasdaq, đặt tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Thẩm Quyến, dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và công ty thuộc lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc.

Mức tăng gần 20% trong thời gian qua so với mức thấp nhất vào tháng 6 được đánh giá giúp chỉ số ChiNext bước vào xu hướng tăng. Trước đó, chỉ số này có xu hướng xuống dốc, giảm hơn 20% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 4.

Chứng khoán Trung Quốc nhận trợ lực để leo dốc ảnh 1

Diễn biến chỉ số ChiNext kể từ cuối năm 2018.

Wuhu Token Science Co và Shenzhen Sunway Communication Co là những doanh nghiệp thuộc chỉ số Chinext có cổ phiếu dẫn đầu đà tăng giá, với mức tăng hơn 45% kể từ cuối tháng 6.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite tăng 3,9% trong tuần qua, đánh dấu quãng thời gian “tươi đẹp” nhất kể từ tháng 6. Nhà đầu tư nước ngoài đã rót khoảng 28 tỷ nhân dân tệ (3,9 tỷ USD) vào thị trường chứng khoán Ðại lục thông qua các mối liên kết với sàn Hồng Kông trong tuần qua, mức cao nhất kể từ tháng 11/2018.

Chứng khoán Trung Quốc nhận trợ lực để leo dốc ảnh 2

Diễn biến dòng vốn ngoại tại tTCK Trung Quốc.

Diễn biến này xảy ra ngay sau khi Trung Quốc có thêm các động thái nới lỏng chính sách nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, cuối tuần trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các nhà băng thêm 0,5%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007.

Quy định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 16/9/2019. Bên cạnh đó, PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1% đối với một số ngân hàng thương mại theo 2 giai đoạn vào ngày 15/10 và 15/11.

Theo PBOC, việc nới lỏng quy định sẽ giúp thêm 900 tỷ nhân dân tệ (126 tỷ USD) chảy ra thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp đang cần nguồn tín dụng để mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Trước đó, cơ quan này đã 2 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các nhà băng, lần lượt giúp 800 tỷ nhân dân tệ và 280 tỷ nhân dân tệ được bơm vào thị trường.

Du Kejun, đối tác tại Beijing Gelei Asset Management Center Limited Partnership nhận định: “Quy định mới này được công bố vào thời gian hoàn hảo. Bóng mây bao trùm thị trường đang bắt đầu mờ nhạt và sự tự tin của các thành viên thị trường dần ổn định. Chỉ cần có thêm động thái hỗ trợ từ Chính phủ, các giao dịch đã trở nên sôi động hơn hẳn trong tuần vừa qua”.

Ðánh giá về chính sách nới lỏng của Trung Quốc, Zhou Hao, nhà kinh tế cao cấp các thị trường mới nổi tại Commerzbank AG cho rằng, việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc không phải bước đi mang tính “quá khích” của Ðại lục.

Thực tế, Trung Quốc trong thời gian qua đã thực hiện chính sách thắt chặt nghiêm ngặt đối với thị trường tín dụng, tài chính.

Do đó, quy mới chỉ là cách để tái cân bằng - hạ thấp chi phí cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, đồng thời thắt chặt tín dụng với lĩnh vực bất động sản, vốn đang tiềm ẩn nguy cơ bong bóng.

“TTCK Trung Quốc đang ở vị thế tốt trong việc hấp dẫn thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ vào các chính sách hỗ trợ, thanh khoản tốt hơn và giới đầu tư có khẩu vị rủi ro hoạt động tích cực hơn”, Mark Huang, chiến lược gia tại Bright Smart Securities nhận định.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục