Chứng khoán trái chiều, giá dầu thô khởi sắc

(ĐTCK) Chịu tác động khác nhau của các nhóm cổ phiếu, chứng khoán toàn cầu có diễn biến trái chiều trong phiên đầu tuần mới. Giá vàng cũng tạm nghỉ ngơi sau cuộc chạy nước rút cuối tuần trước, trong khi dầu thô lên mức đỉnh 2 tháng và có tháng tăng ấn tượng nhất kể từ đầu năm.
Chứng khoán trái chiều, giá dầu thô khởi sắc

Chứng khoán Mỹ lại tiếp tục diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong đó, sắc xanh vẫn xuất hiện tại Dow Jones giúp chỉ số này tiếp tục thiết lập đỉnh cao kỷ lục mới, trong khi S&P 500 và Nasdaq vẫn giảm điểm. Dow Jones duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Boeing khi cổ phiếu của nhà sản xuất máy bay này tăng 0,         49%, lên mức kỷ lục 242,46 USD/cổ phiếu sau khi JPMorgan nâng mục tiêu giá lên 280 USD/cổ phiếu.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ với các đại gia như Facebook, Alphabet khiến 2 chỉ số chính còn lại tiếp tục chìm trong sắc đỏ, nhất là Nasdaq.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Dow Jones tăng 60,81 điểm (+0,28%), lên 21.891,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,80 điểm (-0,07%), xuống 2.470,30 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 26,55 điểm (-0,42%), xuống 6.348,12 điểm.

Dù điều chỉnh trong những phiên cuối tháng, nhưng với sự khởi sắc trước đó, phố Wall tiếp tục có tháng tăng thứ 3 liên tiếp với Dow Jones và S&P 500, còn Nasdaq cũng lấy lại đà tăng mạnh sau tháng điều chỉnh nhẹ trước đó. Cụ thể, trong tháng 7, chỉ số Dow Jones tăng 2,54%, chỉ số S&P 500 tăng 1,93% và Nasdaq tăng tới 3,38% sau khi giảm 0,94% tháng trước. Như vậy, phố Wall đã có 6 tháng tăng trong 7 tháng giao dịch kể từ đầu năm (Dow Jones và S&P 500 giảm nhẹ trong tháng 3).

Chứng khoán châu Âu sau khi đồng loạt giảm trong 2 phiên cuối tuần trước, đã có diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong đó, chứng khoán Anh hồi nhẹ, còn chứng khoán Đức và Pháp vẫn giảm điểm do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố. Nhóm cổ phiếu thuốc lá giảm mạnh sau thông tin bất lợi tại Mỹ cũng góp phần kéo chứng khoán khu vực này giảm điểm.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,63 điểm (+0,05%), lên 7.372,00 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 44,45 điểm (-0,37%), xuống 12.118,25 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 37,62 điểm (-0,73%), xuống 5.093,77 điểm.

Không như phố Wall, ngoại từ chứng khoán Anh hồi nhẹ, còn lại chứng khoán Pháp và Đức tiếp tục có tháng giảm thứ 2 liên tiếp trong tháng 7. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 0,81%, trong khi chỉ số DAX giảm 1,68% và CAC 40 tiếp tục giảm 0,53%. Tháng 6, cả 3 chỉ số này đều giảm mạnh từ hơn 2% đến hơn 3%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp khi các mã lớn như Softbank và Fanuc bị bán mạnh. Dù vậy, đà giảm được hãm lại đáng kể nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu thép và một số công ty công bố kết quả kinh doanh khả quan.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng mạnh nhờ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm nay của nhiều doanh nghiệp sắp công bố, cũng như triển vọng khả quan của kinh tế Trung Quốc. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông lên mức cao nhất 25 tháng.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 34,66 điểm (-0,17%), xuống 19.925,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 344,60 điểm (+1,28%), lên 27.323,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,79 điểm (+0,61%), lên 3.273,03 điểm.

Với những phiên giảm điểm liên tiếp cuối tháng, chứng khoán Nhật Bản đã được tháng tăng thứ 4 liên tiếp khi quay đầu giảm 0,54% trong tháng 7. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông có trọn 7 tháng tăng kể từ đầu năm với mức tăng 6,05% trong tháng 7, tháng tăng tốt thứ 2 kể từ đầu năm sau tháng Giêng (6,18%). Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng có tháng tăng thứ 2 liên tiếp trong tháng 7 với mức tăng 2,52%.

Sau phiên tăng mạnh cuối tuần qua, giá vàng tạm nghỉ ngơi trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, với căng thẳng địa chính trị tại bán đảo Triều Tiên và căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Mỹ sau khi Quốc hội Mỹ thông qua luật tăng trừng phạt với Nga, trong khi Nga cho biết sẽ trục xuất 750 nhà ngoại giao Mỹ sẽ là những nguồn năng lượng tiềm tàng cho giá vàng có thể bứt tốc trong thời gian tới.

Kết thúc phiên 31/7, giá vàng giao ngay giảm 0,3 USD/ounce (-0,02%), xuống 1.268,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 2,4 USD/ounce (-0,19%), xuống 1.266,6 USD/ounce.

Với chuỗi phiên tăng ấn tượng trong 3 tuần qua, giá vàng đã đồng loạt hồi mạnh trở lại trong tháng 7, lấy lại được gần hết những gì đã mất trong tháng 6. Cụ thể, trong tháng 7, giá vàng giao ngay tăng 2,22% và giá vàng tương lai tăng 1,96%.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng, lên mức cao nhất 2 tháng do lệnh trừng phạt của Mỹ với ngành dầu mỏ Venezuela và nguồn cung giảm trong thời gian gần đây.

Kết thúc phiên 31/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,46 USD/thùng (+0,92%), lên 50,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,13 USD (+0,25%), lên 52,65 USD/thùng.

Trong tháng 7, giá dầu thô Mỹ tăng tới 8,97% và giá dầu thô Brent cũng tăng 9,87%. Như vậy, sau chuỗi 6 tháng giảm liên tiếp với giá dầu thô Brent và 5 tháng giảm trong 6 tháng đầu năm của dầu thô Mỹ, cả 2 đã có tháng tăng ấn tượng đầu tiên trong năm. 

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục