Chứng khoán toàn cầu tăng điểm, giá dầu thô đảo chiều

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên thứ Ba, trong đó chỉ số DAX của Đức lên mức cao nhất trong năm, trong khi giá dầu thô đảo chiều giảm nhẹ do lo ngại về sự bất ổn trên thị trường.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, năng suất lao động của Mỹ trong quý II/2016 giảm 0,5%, ghi nhận quý giảm thứ 3 liên tiếp, đợt suy giảm dài nhất kể từ năm 1979.

Dù nhận thông tin kinh tế vĩ mô không mấy tích cực, nhưng ảnh hưởng từ phiên tăng mạnh trên thị trường châu Á và châu Âu, chứng khoán Mỹ cũng hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số Dow Jones tăng 3,76 điểm (+0,02%), lên 18.533,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,85 điểm (+0,04%), lên 2.181,74 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 12,34 điểm (+0,24%), lên 5.225,48 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp trong phiên thứ Ba, đặc biệt là chứng khoán Đức tăng mạnh, lên mức cao nhất trong năm 2016 nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc của một số công ty vừa công bố như Munich Re, Altice…

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 42,17 điểm (+0,62%), lên 6.851,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 260,54 điểm (+2,50%), lên 10.692,90 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 52,61 điểm (+1,19%), lên 4.468,07 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng điểm và chỉ số Nikkei 225 lên mức cao nhất 2 tuần nhờ đồng yên giảm trở lại và kết quả kinh doanh khả quan của Brother Industries Ltd. Chứng khoán Trung Quốc cũng duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba khi chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 của Trung Quốc vẫn tạo dư địa để Bắc Kinh tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi chứng khoán Hồng Kông điều chỉnh nhẹ từ mức cao nhất 8 tháng có được trong phiên trước đó do chịu ảnh hưởng tiệu cực từ nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin và tiện ích.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số Nikke 225 tăng 114,4 điểm (+0,69%), lên 16.764,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 29,15 điểm (-0,13%), xuống 22.465,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 20,96 điểm (+0,70%), lên 3.025,68 điểm.

Sau 4 phiên tăng liên tiếp, đồng USD đã giảm trở lại trong phiên thứ Ba, hỗ trợ cho giá vàng đảo chiều tăng. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế của Mỹ vừa công bố trong ngày không khả quan cũng hỗ trợ cho giá kim loại quý.

Kết thúc phiên 7/8, giá vàng giao ngay tăng 5,6 USD (+0,42%), lên 1.340,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 5,4 USD (+0,4%), lên 1.346,7 USD/ounce.

Sau phiên tăng mạnh trước đó, giá dầu thô đã điều chỉnh giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba do lo ngại sự bất ổn trên thị trường dầu toàn cầu, bù đắp thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước.

Kết thúc phiên 7/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,25 USD/thùng (-0,58%), xuống 42,77 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,41 USD (-0,91%), xuống 44,98 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục