Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng, Dow Jones lại lập kỷ lục mới

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch thứ Ba, trong đó chỉ số Dow Jones tiếp tục thiết lập mức đóng cửa cao kỷ lục mới. Trong khi đó, giá vàng vẫn giằng co và dầu thô đã đảo chiều sau 4 phiên tăng liên tiếp.
Dow Jones liên tiếp thiết lập mức cao kỷ lục mới kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (Ảnh minh họa: AFP) Dow Jones liên tiếp thiết lập mức cao kỷ lục mới kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch thứ Tư nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu viễn thông và ngân hàng.

Nhóm cổ phiếu viễn thông tăng khi AT&T, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến cho biết, dịch vụ mới của mình là DirectTV Now đã vượt quá xa mong đợi, trong khi nhà cung cấp mạng không dây số 1 của Mỹ Verizon thông báo bán 29 trung tâm dữ liệu cho Equinix với giá 3,6 tỷ USD.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng được xem là nhóm được hưởng lợi nhất với các chính sách cam kết của Tổng thống đắc cữ Donald Trump, nên đã có chuỗi mạch tăng ấn tượng kể từ sau ngày 8/11. Sau một vài phiên chịu áp lực chốt lời, nhóm cổ phiếu này lại bật tăng mạnh trở lại với khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 gần như chắc chắn và điều này là có lợi cho các ngân hàng.

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế Mỹ liên tiếp được công bố trong thời gian qua tích cực, cũng hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư, giúp phố Wall duy trì đà tăng của mình.

Tuy nhiên, cổ phiếu của Boeing giảm sau khi ông Trump kêu gọi hủy hợp đồng sản xuất máy bay Air Force với hãng trên Tweet vì cho rằng, chi phí vượt tầm kiểm soát.

Kết thúc phiên 6/12, chỉ số Dow tăng 35,54 điểm (+0,18%), lên 19.251,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,52 điểm (+0,34%), lên 2.212,23 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 24,11 điểm (+0,45%), lên 5.333,00 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng điểm khá tốt thứ 2 liên tiếp nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm cổ phiếu này lên mức cao nhất 11 tháng. Trong khi đó, lo ngại về cuộc khủng hoảng chính trị tại Italia sau khi Thủ tướng Matteo Renzi từ chức sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp lắng xuống.

Kết thúc phiên 6/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 33,01 điểm (+0,49%), lên 6.779,84 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 90,49 điểm (+0,85%), lên 10.775,32 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 57,62 điểm (+1,26%), lên 4.631,94 điểm.

Tương tự, khi những lo lắng về tình hình ở Italia lắng xuống, trong khi lại được hỗ trợ tích cực từ dữ liệu kinh tế Mỹ khả qua và đà tăng của phố Wall trong phiên trước đó, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông cũng đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Ba, sau phiên giật mình đầu tuần với tình hình tại Italia. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục chưa thoát khỏi đà giảm điểm của mình, dù mức giảm đã được hạn chế hơn rất nhiều so với các phiên trước đó.

Kết thúc phiên 6/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 85,55 điểm (+0,47%), lên 18.360,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 169,6 điểm (+0,75%), lên 22.675,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,06 điểm (-0,16%), xuống 3.199,65 điểm.

Giá vàng phiên thứ Ba nỗ lực hồi phục trong phiên Á và Âu khi đồng USD giảm, cùng lực cầu bắt đáy gia tăng khi xuống mức thấp nhất 10 tháng. Tuy nhiên, bước vào phiên Mỹ, giá vàng đảo chiều và yếu đà dần về cuối phiên khi thị trường chứng khoán tích cực, làm giảm bớt sự hấp dẫn của giá vàng. Ngoài ra, việc đồng USD hồi phục trở lại 3 phiên giảm điểm liên tiếp, xuống mức thấp nhất hơn 3 tuần cũng góp phần khiến giá vàng đảo chiều tăng bất thành trong phiên này.

Kết thúc phiên 6/12, giá vàng giao ngay giảm 0,7 USD (-0,06%), xuống 1.169,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 giảm 6,4 USD (-0,54%), xuống 1.170,1 USD/ounce.

Trong khi đó, sau chuỗi 4 phiên tăng giá liên tiếp, lên mức cao nhất 16 tháng sau quyết định cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày của OPEC, giá dầu thô đã điều chỉnh giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Ba do áp lực chốt lời và thông tin sản lượng trong tháng 11 của OPEC lên mức cao kỷ lục mới. Cụ thể, theo khảo sát mới nhất, sản lượng khai thác của OPEC trong tháng 11 tăng lên mức 34,19 triệu thùng từ mức 33,82 triệu thùng trong tháng 10.

Dù vậy, đà giảm sau đó đã được hãm bớt với thông tin từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm nhiều hơn dự kiến, mặc dù kho dự trữ tại Cushing, Oklahoma tăng 4 triệu thùng.

Cùng với đó, OPEC cho biết, các nhà sản xuất lớn ngoài khối cũng đồng ý cắt giảm 600.000 sản lượng/ngày và các bên sẽ hoàn tất các điều khoản để ký thỏa thuận trong tuần này.

Kết thúc phiên 6/12, giá dầu thô Mỹ giảm 0,86 USD/thùng (-1,66%), xuống 50,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,01 USD (-1,84%), xuống 53,93 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục