Chứng khoán, giá vàng có phiên giao dịch đầy biến động

(ĐTCK) Trong phiên cuối tuần qua, cả thị trường chứng khoán và giá vàng đã trải qua phiên giao dịch đầy biến động do ảnh hưởng từ các thông tin về căng thẳng chính trị tại Washington.
Chứng khoán, giá vàng có phiên giao dịch đầy biến động

Sau phiên khởi sắc trước đó, phố Wall lình xình trong nửa đầu phiên sáng cuối tuần qua khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả bỏ phiếu về kế hoạch thuế của Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, sau đó, phố Wall đã lao mạnh sau thông tin về cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn chuẩn bị làm chứng rằng, trước khi nhậm chức Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo ông liên lạc với Nga.

Dù vậy, với việc Thương viện Mỹ đã thông qua kế hoạch cải cách thuế lớn nhất 35 năm qua của chính quyền Tổng thống Trump, cùng đã tăng tốt của nhóm cổ phiếu năng lượng, nên đà giảm của 3 chỉ số chính của phố Wall đã được hãm lại sau đó và đóng cửa với mức giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 1/12, chỉ số Dow Jones giảm 40,76 điểm (-0,17%), xuống 24.231,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,36 điểm (-0,20%), xuống 2.647,58 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 26,39 điểm (-0,38%), xuống 6.847,59 điểm.

Dù điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng mạnh trước đó, Dow Jones và S&P 500 có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 2,86% và 1,74%, cao hơn nhiều so với tuần trước đó, trong khi Nasdaq đảo chiều giảm nhẹ 0,60% sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực đang nỗ lực phục hồi trở lại sau phiên giảm trước đó và đà giảm từ đầu phiên. Các chỉ số đã lên sát, hoặc vượt qua ngưỡng tham chiếu và tưởng chừng sẽ có phiên hồi phục cuối tuần, cũng là phiên đầu tiên của tháng 12. Tuy nhiên, đúng trong những phút cuối, khi truyền thông đưa tin về việc cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn thú nhận đã nói dối với FBI. Theo truyền thông, ông Flynn chuẩn bị làm chứng rằng, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo ông liên lạc với Nga sau cuộc bầu cử.

Ngay sau thông tin này, đồng USD giảm mạnh so với đồng euro và bảng Anh, khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu châu Âu đồng loạt giảm mạnh, khéo các chỉ số quay đầu giảm mạnh trở lại và có phiên giảm thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 1/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 26,18 điểm (-0,36%), xuống 7.300,49 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 162,49 điểm (-1,25%), xuống 12.861,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 55,90 điểm (-1,04%), xuống 5.316,89 điểm.

Sau khi đồng loạt hồi phục trong tuần trước, chứng khoán châu Âu đã nhanh chóng quay đầu giảm đồng loạt rở lại trong tuần qua. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 1,47%, chỉ số DAX giảm 1,52% và chỉ số CAC 40 giảm 1,36%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, cũng nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu năng lượng, cùng sự góp sức của nhóm thép và máy móc, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong ngày cuối tuần. Chứng khoán Trung Quốc đại lục dù giảm trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch cuối tuần với thông tin hoạt động sản xuất trong tháng 11 tăng trưởng chậm nhất trong năm, đã hồi phục trở lại vào cuối phiên và đóng cửa với sắc xanh nhạt ở sát trên mức tham chiếu.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm điểm do sức ép từ chứng khoán Trung Quốc đại lục và lực bán chốt lời mạnh của giới đầu tư sau khi chỉ số này có mức tăng mạnh trong năm nay. Với chuỗi phiên giảm liên tiếp, chứng khoán Hồng Kông đã có tuần giảm mạnh nhất trong năm nay.

Kết thúc phiên 1/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 94,07 điểm (+0,41%), lên 22.819,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 103,11 điểm (-0,35%), xuống 29.074,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,43 điểm (+0,01%), lên 3.317,62 điểm.

Sau khi giảm mạnh 3,62% tuần trước, chặn chuỗi tuần tăng liên tiếp trước đó, chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục trở lại trong tuần qua khi chỉ số Nikkei 225 tăng 1,19%. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục có tuần giảm thứ 3 liên tiếp khi chỉ số Shanghai Composite giảm 2,65%,  chứng khoán Hồng Kông quay đầu giảm 1,08% sau chuỗi tuần tăng liên tiếp trước đó.

Trên thị trường vàng, sau khi lình xình trong phiên Á và Âu, giá vàng đã tăng vọt trong phiên Mỹ sau thông tin về việc cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ sẽ làm chứng về việc Tổng thống Trump lệnh cho ông liên lạc với Nga sau bầu cử, làm gia tăng căng thẳng chính trị tại Washington. Tuy nhiên, giá vàng sau đó đã hạ nhiệt khi chứng khoán hồi phục trở lại.

Kết thúc phiên 1/12, giá vàng giao ngay tăng 5 USD/ounce (+0,39%), lên 1.279,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 6,5 USD/ounce (+0,51%), lên 1.279,7 USD/ounce.

Giá vàng có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với cùng mức giảm 0,64% sau khi đã mất 0,49% trong tuần trước đó.

Dù giá vàng điều chỉnh trở lại, nhưng cả giới phân tích và nhà đầu tư đều vẫn đặt rất nhiều kỳ vọng vào xu hướng của giá vàng trong tuần mới.

Sau chuỗi tuần liên tiếp có cái nhìn tích cực về xu hướng thị trường, cả giới đầu tư và phân tích đã có thái độ thận trọng hơn với xu thế của giá vàng trong tuần giao dịch mới này sau 2 tuần giảm liên tiếp. Thậm chí, giới phân tích còn có cái nhìn tiêu cực về xu hướng tuần mới của giá vàng.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp tuần này, có 19 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó chỉ có 4 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 21%, thấp hơn rất nhiều con số 68% của tuần trước; trong khi số người dự báo giảm tăng lên 11 người, chiếm 58% (tuần trước chỉ là 11%); 4 người còn lại, chiếm 21% giữ quan điểm trung lập.

Trong cuộc thăm do trực tuyến, có 619 lượt người tham gia, trong đó có 287 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, chiếm 46%, thấp hơn con số 57% của tuần trước; 238 lượt dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 38%, cao hơn con số 31% của tuần trước và 94 lượt có quan điểm trung lập, chiếm 15%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Mỹ tiếp tục có phiên tăng khi OPEC và các nhà sản xuất lớn khác đạt được thỏa thuận mở rộng cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018 trong cuộc họp vừa kết thúc tại Vienna (Áo), trong khi đó, giá dầu thô Brent lại yếu đà hơn khi kết thúc phiên cuối tuần với mức giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 1/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,96 USD (+1,64%), lên 58,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,08 USD (-0,13%), xuống 63,49 USD/thùng.

Dù đã có 2 phiên cuối tuần hồi phục, nhưng với các phiên giảm trước đó, giá dầu thô đã đồng loạt quay đầu điều chỉnh sau tuần hồi phục mạnh trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ giảm 1%% và giá dầu thô Brent giảm 0,58%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục