Chứng khoán, dầu thô và vàng đồng loạt tăng

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh khả quan của các ngân hàng, cùng sự hỗ trợ khi giá dầu thô lên mức cao nhất 15 tháng giúp chứng khoán tiếp tục tăng điểm. Trong khi dữ liệu kinh tế Trung Quốc tích cực hỗ trợ giúp giá vàng lên mức cao nhất 2 tuần.
Phố Wall có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp (Ảnh minh họa: AFP)

Ngân hàng Morgan Staley vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận tốt hơn dự kiến, cùng với kết quả khả quan trước đó của Citigroup, giúp giới đầu tư bớt lo lắng về lĩnh vực ngân hàng.

Cổ phiếu Morgan Staley tăng 1,9% và nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng cũng có phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 1,7%.

Trong khi đó, với việc giá dầu thô tăng lên mức cao nhất 15 tháng đã giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng 1,4% trong phiên thứ Tư.

Nhận được những sự hỗ trợ trên, phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp trong phiên thứ Tư, nhưng mức tăng bị hạn chế do kết quả kinh doan kém khả quan của Intel.

Với 70 công ty trong chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý III tính đến sáng thứ Tư (theo giờ Mỹ), có 80% công ty có lợi nhuận tăng trưởng. Theo dữ liệu của Thomson Reuters, lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp S&P 500 sẽ tăng 0,5%.

Kết thúc phiên 19/10, chỉ số Dow tăng 40,68 điểm (+0,22%), lên 18.202,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,69 điểm (+0,22%), lên 2.144,29 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,58 điểm (+0,05%), lên 5.246,41 điểm.

Tương tự, kết quả kinh doanh khả quan của Morgan Stanley cũng tạo cảm hướng cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu, giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường này tăng giá, cùng với nhóm cổ phiếu bán lẻ, kéo các chỉ số chính của khu vực đảo chiều thành công trong những phút cuối phiên và đóng cửa với mức tăng nhẹ. Trước đó, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu phần lớn thời gian dao động dưới tham chiếu do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh kém khả quan của doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng và nhóm hàng tiêu dùng.

Kết thúc phiên 19/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 21,86 điểm (+0,31%), lên 7.021,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 14,13 (+0,13%), lên 10.645,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 11,39 điểm (+0,28%), lên 4.520,30 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp trong phiên thứ Tư nhờ ảnh hưởng tích cực từ phố Wall trong phiên trước đó và sự hỗ trợ của cổ phiếu Sharp, cũng như Mitsubishi Motors. Cổ phiếu Sharp tăng 11% sau khi cho biết kỳ vọng lợi nhuận cải thiện đáng kể trong năm nay, trong khi Mitsubishi Motors tăng 7,9% sau thông tin Chủ tịch của hãng được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Nissan Motors.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm điểm và chứng khoán Trung Quốc chỉ có mức tăng tối thiểu khi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc vừa công bố chưa đủ để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc đạt 6,7%, ổn định so với quý trước khi chi tiêu của Chính phủ tăng và sự bùng nổ của thị trường bất động sản bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu.

Kết thúc phiên 19/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 35,30 điểm (+0,21%), lên 16.998,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 89,42 điểm (-0,38%), xuống 23.304,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,84 điểm (+0,03%), lên 3.084,72 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên thứ Tư, lên mức cao nhất 2 tuần nhờ dữ liệu kinh tế Trung Quốc. Việc GDP của Trung Quốc lấy lại sự tăng trưởng ổn định giúp giá vàng được hưởng lợi, bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu kim loại lớn, trong đó có vàng. Do đó, khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này tăng trưởng ổn định trở lại, giúp giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu về vàng sẽ gia tăng.

Kết thúc phiên 19/10, giá vàng giao ngay tăng 6,7 USD (+0,53%), lên 1.268,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 7 USD (+0,55%), lên 1.269,9 USD/ounce.

Sau khi Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) công bố dữ liệu ngày hôm trước với kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,8 triệu thùng trong tuần trước, phiên thứ Tư, đến lượt Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,2 triệu thùng.

Lý do kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm là do nhập khẩu của nước này giảm 912.000 thùng/ngày trogn tuần trước với mức giảm chung của cả tuần 6,47 triệu thùng, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2015.

Trong khi đó, cũng theo EIA, sản lượng tiêu thụ của nhà máy lọc dầu cũng giảm 182.000 thùng/ngày, công suất giảm 0,5%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2013.

Kho dự trữ dầu thô tại trung tâm giao nhận Cushing, Oklahoma giảm mạnh nhất kể từ tháng 4 với 1,6 triệu thùng.

Cũng theo số liệu của EIA, kho dự trữ các sản phẩm chưng cất bao gồm dầu diesel và dầu sởi ấm giảm 1,2 triệu thùng, thấp hơn mức dự đoán 1,6 triệu thùng của giới phân tích, trong khi kho dự trữ xăng tăng 2,5 triệu thùng, trong khi giới phân tích dự báo giảm 1,3 triệu thùng.

Thông tin trên tiếp tục tiếp thêm năng lượng để giá dầu thô tăng mạnh trong phiên thứ Tư, lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2015.

Kết thúc phiên 19/10, giá dầu thô Mỹ tăng 1,31 USD/thùng (+2,54%), lên 51,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,99 USD (+1,88%), lên 52,67 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục