Chứng khoán đảo chiều, vàng vọt mạnh do lạm phát

(ĐTCK) Áp lực lạm phát của Mỹ có dấu hiệu tăng trở lại khiến chứng khoán quay đầu giảm điểm, trong khi hỗ trợ cho giá vàng tăng mạnh.
Chứng khoán đảo chiều, vàng vọt mạnh do lạm phát
Dữ liệu mới công bố cho thấy, áp lực lạm phát của Mỹ đang có dấu hiệu tăng trở lại. Giá sản xuất trong tháng 4 ghi nhận mức tăng lớn nhất 1 năm rưỡi khi giá lương thực tăng mạnh. Trước đó, doanh số bán lẻ tháng 4 được công bố cũng chỉ tăng nhẹ 0,1%, thấp hơn nhiều so với dự báo.

Bất chấp dữ liệu bán lẻ không mấy tích cực, trong phiên 13/5, Phố Wall tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới, dù mức tăng nhẹ hơn nhiều so với phiên đầu tuần, nhờ nhóm cổ phiếu xây dựng nhà và 2 đại gia cho vay thế chấp. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch ngày 14/5, những thông tin kinh tế này đã tác động lên thị trường, khiến Phố Wall quay đầu.

Hoạt động bán tháo cổ phiếu nhỏ trên thị trường đã xảy ra khi Dow Jones và S&P500 liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, kéo thị trường quay đầu giảm điểm. Ngoài ra, các cổ phiếu bán lẻ cũng bị giảm mạnh khi công bố kết quả kinh doanh không như kỳ vọng và triển vọng trong quý II cũng không sáng sủa hơn. Tuy nhiên, cổ phiếu tác động mạnh nhất đến đà giảm của Dow Jones và S&P 500 là IBM khi tập đoàn này cho biết, lợi nhuận phần cứng trong năm 2014 sẽ rất mỏng.

Kết thúc phiên 14/5, chỉ số Dow Jones giảm 101,47 điểm (-0,61%), xuống 16.613,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,92 điểm (-0,47%), xuống 1.888,53 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 29,54 điểm (-0,72%), xuống 4.100,63 điểm.

Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố không như mong đợi, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông khiến chứng khoán châu Âu điều chỉnh giảm trở lại sau chuỗi 2 tháng tăng mạnh, leo lên mức cao nhất 6 tháng.

Kết thúc phiên 14/5, chỉ số FTSE tại Anh tăng 5,41 (+0,08%), lên 6.878,49 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 0,04 điểm (-0,00%), đứng ở mức 9.754,39 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 3,98 điểm (-0,09%), xuống 4.501,04 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản cũng điều chỉnh giảm trong phiên thứ Tư do áp lực chốt lời sau phiên tăng mạnh, lên mức cao nhất 1 tuần rưỡi trước đó. Chứng khoán Trung Quốc vẫn giảm điểm do dữ liệu kinh tế kém tích cực được công bố trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông vẫn tăng mạnh nhờ ảnh hưởng từ chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó.

Kết thúc phiên 14/5, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 19,68 điểm (-0,14%), xuống 14.405,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 230,39 điểm (+1,03%), lên 22.582,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 2,82 điểm (-0,14%), xuống 2.047,91 điểm.

Nhà đầu tư vẫn lo ngại về tình hình căng thẳng ở Ukraine, cũng như báo cáo lạm phát của Mỹ đang có dấu hiệu tăng lên đã hỗ trợ đắc lực cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này tăng mạnh trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 14/5, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 11 USD (+0,85%), lên 1.305,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 11,1 USD (+0,86%), lên 1.305,9 USD/ounce.

Dầu thô tiếp tục tăng cao trước tình hình căng thẳng Ukraine và lo ngại kho dự trữ dầu của Mỹ sụt giảm theo tuần. Kết thúc phiên 14/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,67 USD (+0,65%), lên 102,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,95 USD (+0,86%), lên 110,19 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục