Chứng khoán Âu, Mỹ khởi sắc, vàng lên mức cao nhất 4 tuần

(ĐTCK) Những suy diễn về thời gian tăng lãi suất sau thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra hôm thứ Tư khiến đồng USD giảm mạnh, trong khi chứng khoán và vàng tăng vọt.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Dữ liệu kinh tế Mỹ mới công bố cho thấy, giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng mạnh nhất trong 2 năm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tuần trước giảm xuống mức thấp nhất gần 15 năm.

Trong thông tin đưa ra hôm thứ Tư sau cuộc họp 2 ngày, Fed cũng cho biết, nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chịu đựng được tăng lãi suất vào cuối năm, nhưng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2015 và hạ mức tăng lãi suất của mình (nếu có).

Phát biểu của Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen khiến nhà đầu tư bị giằng xé về thời gian tăng lãi suất của cơ quan hoạch định chính sách này, không biết là trong tháng 9 hay tháng 12. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, gần như chắc chắn, Fed sẽ chỉ tăng lãi suất một cách từ từ và điều này là thông tin tích cực cho thị trường.

Ngoài ra, thông tin về những hy vọng trở lại cho nút thắt Hy Lạp cũng là thông tin tích cực cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Với các thông tin trên, phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm trong ngày thứ Năm, nhưng mức tăng mạnh hơn nhiều so với 2 phiên trước. Trong đó, chỉ số Nasdaq đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Trong phiên, Nasdaq cũng đã thiết lập mức cao nhất trong ngày 5.143,32 điểm, phá vỡ mức cao nhất lịch sử 5.132,52 điểm được thiết lập thời kỳ bong bóng dot-com (ngày 10/3/2000).

Kết thúc phiên 18/6, chỉ số Dow Jones tăng 180,10 điểm (+1,00%), lên 18.115,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 20,80 điểm (+0,99%), lên 2.121,24 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 68,07 điểm (+1,34%), lên 5.132,95 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoài thông tin từ Mỹ, thì thông tin về tình hình Hy Lạp vẫn là thông tin chi phối chính thị trường khu vực.

Sau cuộc đàm phán đổ vỡ hôm Chủ nhật, đẩy Hy Lạp đứng trước nguy cơ vỡ nợ và ra khỏi khu vực đồng tiền chung, hy vọng về một thỏa thuận một lần nữa đã trở lại.

Các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào thứ Hai tuần tới để cố gắng ngăn chặn tình trạng gia tăng rút tiền ngân hàng và lợi tức trái phiếu chính phủ giảm mạnh sau khi cuộc đàm phán nợ giữ Athens và các chủ nợ đổ vỡ.

Giới phân tích nhận định, việc dự đoán một thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ hiện nay giống như việc tung đồng xu. Do đó, đây vẫn là thông tin ảnh hưởng mạnh nhất tới thị trường trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, với thông tin tích cực từ Mỹ, cũng như nỗi lo về “Grexit” bớt đi phần nào, chứng khoán châu Âu đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 18/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 27,33 điểm (+0,41%), lên 6.707,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 122,29 điểm (+1,11%), lên 11.100,30 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 12,86 điểm (+0,27%), lên 4.803,48 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau thông tin của Fed, đồng yên Nhật tăng mạnh so với đồng USD, qua đó tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản và khiến chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất trong 1 tháng.

Lo ngại về hình hình Hy Lạp và ảnh hưởng từ thị trường vốn đại lục khiến chứng khoán Hồng Kông quay đầu giảm trở lại, nhưng mức giảm khá nhẹ nhờ thông tin tích cực về chính trị.

Trong khi đó, làn sóng IPO khủng của 11 doanh nghiệp lớn tạo ra mối lo bội cung, khiến chứng khoán Trung Quốc đại lục lao dốc mạnh hơn 3,6% trong phiên thứ Năm sau phiên hồi nhẹ trước đó.

Kết thúc phiên 18/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 228,45 điểm (-1,13%), xuống 19.990,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 59,13 điểm (-0,22%), xuống 26.694,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 182,54 điểm (-3,67%), xuống 4.785,36 điểm.

Với thông tin Fed vừa công bố với việc thời gian tăng lãi suất có thể lùi hơn dự kiến và mức tăng sẽ không lớn, đồng USD đã ngay lập tức suy yếu. Chỉ số USD giảm 2 phiên liên tiếp thứ Tư và thứ Năm, xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh như vàng, dầu mỏ.

Đó là lý do giúp giá vàng tăng vọt trở lại trong phiên thứ Năm, vượt qua ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.200 USD/ounce, lên mức cao nhất 4 tuần.

Kết thúc phiên 18/6, giá vàng giao ngay tăng 16,9 USD (+1,43%), lên 1.202,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 25,1 USD/ounce (+2,13%), lên 1.201,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 25,2 USD/ounce (+2,14%), lên 1.202,0 USD/ounce.

Cũng giống như vàng, giá dầu thô cũng được hưởng lợi từ việc đồng USD suy yếu.

Kết thúc phiên 18/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,53 USD/thùng (+0,88%), lên 60,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,39 USD (+0,61%), lên 64,26 USD/thùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục