Chứng khoán Á, Âu rủ nhau giảm điểm

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Âu, Á rủi nhau giảm điểm trong phiên đầu tuần mới, trong khi thị trường Mỹ nghỉ lễ. Giá vàng hồi nhẹ, nhưng xu hướng chính vẫn được dự báo là giảm.
Chứng khoán Á, Âu rủ nhau giảm điểm
Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ trở lại từ mức cao nhất 5 năm rưỡi khi không có nhiều thông tin tác động từ bên kia bờ Đại Tây Dương do thị trường Mỹ nghỉ lễ. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn của khu vực vừa công bất gây thất vọng.

Đầu tiên phải kể đến Ngân hàng Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất nước Đức bất ngờ công bố lỗ trong quý vừa qua do dính dáng vào kiện tụng và chi phí tăng lên, buộc Chính phủ Đức phải đưa ra cảnh báo về sự khó khăn trong năm 2014.

Sau thông tin này, cổ phiếu của Deutsche giảm tới 5,4%, kéo theo nhiều mã ngân hàng khác giảm theo như Commerzbank giảm 4,5 phần trăm, Banco Popolare giảm 3,1 phần trăm và Credit Suisse giảm 2,5 phần trăm.

Bên cạnh đó, việc nhà sản xuất ô tô của Pháp PSA Peugeot Citroen khó khăn trong việc tìm vốn khiến cổ phiếu của hãng giảm tới 11%.

Kết thúc phiên 20/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 7,43 điểm (+0,11%), lên 6.836,73 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 27,06 điểm (-0,28%), xuống 9.715,90 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 4,64 điểm (-0,11%), xuống 4.322,86 điểm.

Đà phục hồi của kinh tế khu vực đồng euro đang bị đe dọa khi đồng euro liên tục tăng so với đồng USD. Vì vậy, nhiều khả năng, sắp tới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải hành động để chặn đà tăng giá của đồng tiền chung.

Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần do ảnh hưởng từ phiên trước đó của chứng khoán Mỹ.

Kết thúc phiên 20/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 92,78 điểm (-0,59%), xuống 15.641,68 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 204,4 điểm (-0,88%), xuống 22.928,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 13,7 điểm (-0,68%), xuống 1.991,25 điểm.

Chứng khoán châu Á được dự báo sẽ tích cực trong phiên thứ Ba khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nỗ lực để giúp thị trường không xảy ra hiện tượng thiếu tiền mặt như hồi tháng 6 năm ngoái.

Giá vàng cũng không có nhiều biến động trong phiên giao dịch đầu tuần do thị trường Mỹ nghỉ lễ.

Kết thúc phiên 20/1, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 0,6 USD, lên 1.254,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex vẫn đứng ở mức 1.251,9 USD/ounce.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, giá vàng trong năm nay đang chịu nhiều áp lực giảm giá và kim loại quý này sẽ có năm giảm thứ 2 liên tiếp.

Giá vàng đã chịu nhiều áp lực giảm trong năm 2013 khi kinh tế thế giới đã bắt đầu dấu hiệu phục hồi, làm giảm vai trò là kênh đầu tư an toàn của vàng, nhưng giá vàng cũng hãm đà giảm do lượng cầu vàng vật chất của Trung Quốc khá lớn.

Tuy nhiên, bước sang năm 2014, khả năng nhu cầu nhập khẩu vàng của Trung Quốc sẽ không còn lớn như năm 2013. Trong khi đó, dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới, nhất là Mỹ đã khá rõ nét, cùng với nhiều khả năng FED sẽ cắt gói QE3 cũng gây áp lực rất lớn với giá vàng.

Theo dự đoán của các chuyên gia Goldman Sach, giá kim loại quý này sẽ giảm khoảng 16% trong năm nay, xuống sát mốc 1.000 USD/ounce.

Giá dầu hồi phục trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp cuối tuần trước. Trong phiên đầu tuần, giá dầu thô trên thị trường New York tăng 0,62 USD (+0,66%), lên 94,37 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 0,07 USD (-0,07%), xuống 107,06 USD/thùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục