Chưa kịp trấn tĩnh, giới đầu tư lại nhận tin dữ

(ĐTCK) Đang hồi phục khá tốt sau khi có tuần giảm mạnh nhất trong nhiều tháng, phố Wall đã đồng loạt quay đầu giảm mạnh trở lại sau thông tin tiêu cực.
Chưa kịp trấn tĩnh, giới đầu tư lại nhận tin dữ

Trong tuần trước, các chỉ số chính của phố Wall đã có tuần giảm mạnh từ gần 3% đến gần 4% do kết quả kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp lớn. Trong đó, Nasdaq có tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3/2018.

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, các chỉ số chính của phố Wall đã hồi phục trở lại và duy trì sắc xanh tốt trong phiên sáng. Tuy nhiên, bước sang phiên chiều, thị trường đồng loạt quay đầu mất điểm khi nhà đầu tư bán tháo sau thông tin Bloomberg cho biết, Mỹ sẽ công bố đánh thuế với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào đầu tháng 12 nếu cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 tới đây không đạt được kết quả nào.

Các cổ phiếu công nghệ lớn và các cổ phiếu tăng trưởng đều bị bán mạnh trong phiên. Trong đó, nhóm cổ phiếu FANG – Facebook, Amazon, Netflix, Alphabet (Google) mất hơn 200 tỷ USD giá trị thị trường sau 2 phiên.

Cổ phiếu Beoing vốn nhạy cảm với cuộc chiến thương mại cũng giảm tới 6,6% trong phiên, kéo nhóm cổ phiếu công nghiệp mất 1,7%.

Tuy nhiên, vào cuối phiên, nhờ lực cầu chảy tốt, nên đà giảm đã được hạn phần nào.

Dữ liệu vừa công bố vào thứ Hai cho thấy, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng tháng thứ 7 liên tiếp trong tháng 9, nhưng thu nhập ghi nhận mức tăng nhỏ nhất trong hơn một năm giữa mức tăng trưởng vừa phải, cho thấy tốc độ chi tiêu có thể không được duy trì.

Kết thúc phiên 29/10, chỉ số Dow Jones giảm 245,39 điểm (-0,99%), xuống 24.442,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,44 điểm (-0,66%), xuống 2.641,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 116,92 điểm (-1,63%), xuống 7.050,29 điểm.

Trong khi đó, bất chấp đà bán tháo diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, chứng khoán châu Âu đã có phiên hồi phục mạnh mẽ trong phiên đầu tuần mới sau khi có tuần giảm mạnh.

Kết quả kinh doanh tích cực của HSBC vừa công bố với lợi nhuận trong quý vừa qua tăng trưởng 28%, kéo nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh theo.

Ngoài ra, chứng khoán châu Âu là đóng trước phố Wall, lúc chứng khoán Mỹ cũng đang hồi phục tích cực nên hỗ trợ cho đà hồi phục mạnh của chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 29/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 86,76 điểm (+1,25%), lên 7.026,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 134,86 điểm (+1,20%), lên 11.335,48 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 21,99 điểm (+0,44%), lên 4.989,35 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản mất điểm vào ít phút cuối phiên sau khi lình xình quanh tham chiếu gần như suốt phiên. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục bị bán tháo sau dữ liệu tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp và sức mua trong nước yếu, làm ên sự hoài nghi của nhà đầu tư về hiệu quả của những nỗ lực nhằm ổn định thị trường chứng khoán của Bắc Kinh. Đà bán tháo trên thị trường chứng khoán đại lục cũng khiến đà hồi phục của chứng khoán Hồng Kông bị hãm bớt lại.

Kết thúc phiên 29/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 34,80 điểm (-0,16%), xuống 21.149,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 56,74 điểm (-2,18%), xuống 2.542,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 94,41 điểm (+0,38%), lên 24.812,04  điểm.

Trong khi đó, trên thị trường vàng, bất chấp chứng khoán bị bán tháo trở lại, nhưng giá kim loại quý này chỉ lình xình và đóng cửa giảm trở lại trong phiên đầu tuần mới do đồng USD tăng lên mức cao nhất gần 9 tháng.

Kết thúc phiên 29/10, giá vàng giao ngay giảm 4,2 USD (-0,34%), xuống 1.228,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 8,2 USD/ounce (-0,66%), xuống 1.227,6 USD/ounce.

Giá dầu thô cũng quay đầu giảm sau 2 phiên hồi phục khi Nga báo hiệu rẳng, sản lượng sẽ vẫn ở mức cao và lo ngại về kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô.

Kết thúc phiên 29/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,55 USD (-0,82%), xuống 67,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,28 USD (-0,36%), xuống 77,34 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục