Chủ tịch Zurich Insurance Group từ chức vì CFO tự tử

(ĐTCK) Việc Pierre Wauthier ra đi đột ngột khiến tôi cảm thấy rất choáng váng. Gia đình ông ta đã nghĩ tôi có một phần trách nhiệm trong việc này, cho dù không có một cơ sở thực tế nào.
Josef Ackermann. Josef Ackermann.

Cuối tuần qua, ông Josef Ackermann, 65 tuổi, Chủ tịch Zurich Insurance Group, tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Thuỵ Sỹ và thứ 3 châu Âu đã chính thức đệ đơn xin từ chức. Một trong những lý do khiến ông ra đi chính là vụ ông Pierre Wauthier, 53 tuổi, Giám đốc phụ trách tài chính (CFO) Tập đoàn đã tự tử trước đó mấy ngày.

Trong đơn từ chức, ông Josef Ackermann nêu rõ: “Việc Pierre Wauthier ra đi đột ngột khiến tôi cảm thấy rất choáng váng. Gia đình ông ta đã nghĩ tôi có một phần trách nhiệm trong việc này, cho dù không có một cơ sở thực tế nào. Song trong bối cảnh này, tôi nhận thấy việc tiếp tục lãnh đạo Hội đồng quản trị  Zurich Insurance là điều cần phải xem xét lại. Tốt nhất, để tránh được những ảnh hưởng không hay tới danh tiếng của Tập đoàn, nên tôi đã quyết định từ chức và chấm dứt ngay lập tức mọi vai trò của mình trong Hội đồng quản trị”.

Trước khi tìm đến cái chết, ông Pierre Wauthier đã để lại lá thư tuyệt mệnh với lời lẽ chỉ trích Chủ tịch Tập đoàn gây sức ép quá lớn, vượt quá sức chịu đựng của ông.

Phát biểu với báo giới, đại diện gia đình ông Pierre Wauthier khẳng định, chính ông Josef Ackermann đã dồn Pierre Wauthier vào chỗ chết và phải chịu trách nhiệm về sự ra đi thương tâm này.

Về phần mình, lãnh đạo Zurich Insurance cho biết, họ tôn trọng quyết định của ông Josef Ackermann, mặc dù điều này khiến họ cảm thấy “rất đáng tiếc”. Trong thời gian chờ quyết định bổ nhiệm nhân sự chính thức, ông Tom de Swaan, nguyên Giám đốc điều hành (CEO) của Ngân hàng ABN Amro (Hà Lan), thành viên Ban lãnh đạo Zurich Insurance được chỉ định làm Chủ tịch tạm quyền.

Ông Tom de Swaan đã tiết lộ rằng: “Chúng tôi được thông báo về lá thư tuyệt mệnh này và cũng biết về nội dung của nó. Đúng là ít nhiều tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa 2 ông đã dẫn đến một kết cục rất đau lòng này”.

Theo nhiều nhà phân tích, nếu đánh giá một cách khách quan và sòng phẳng, ông Pierre Wauthier là người đã kinh qua nhiều chức vụ quản lý quan trọng (tức là thường xuyên phải đối mặt áp lực đủ kiểu), dạn dày kinh nghiệm, chứ đâu phải là “lính mới tò te”. Vậy mà bỗng chốc ông lại trở nên yếu đuối một cách lạ thường và tìm lối thoát tiêu cực như vậy.

Sinh năm 1960, ông Pierre Wauthier mang hai quốc tịch Pháp và Anh. Trước khi mất, ông sống tại thành phố Walchwil thuộc bang Zug (Thụy Sỹ). Ông bắt đầu sự nghiệp từ năm 1982 tại Công ty Kiểm toán KPMG. Năm 1985, ông đầu quân cho Tập đoàn J.P. Morgan (Mỹ) và làm việc tại đây cho đến khi chuyển về Zurich Insurance năm 1996. Từ đó đến nay, ông đã có 17 năm làm việc liên tục cho Zurich Insurance và từ năm 2011, làm CFO, một vị trí lãnh đạo then chốt trong Tập đoàn.

Khỏi phải bàn, cái chết đột ngột của Pierre Wauthier và việc đơn phương xin từ chức của Josef Ackermann đã phần nào gây phương hại cho thương hiệu và hình ảnh của Tập đoàn (có tới 60.000 nhân viên, với doanh thu năm 2012 là 73 tỷ USD).

Việc lãnh đạo một tập đoàn kinh tế tầm cỡ thế giới từ chức hoặc buộc từ chức do có trách nhiệm liên đới tới vụ tự tử của nhân viên không phải bây giờ mới xảy ra lần đầu. Gần đây nhất, vào đầu năm 2010, ông Didier Lombard, CEO của Hãng viễn thông France Telecom (Pháp) cũng đã buộc phải từ chức vì trong 2 năm 2008 - 2009 để cho 34 nhân viên tự tử do không chịu đựng nổi stress trong công việc. Nói đâu xa, ngay ở Thuỵ Sỹ, cách đây 2 tháng (vào tháng 7/2013), ông Carsten Schloter, 49 tuổi, CEO Swisscom, hãng viễn thông lớn nhất nước này cũng đã chọn cách giải thoát cho mình là tự tử.   

Trở lại chuyện bê bối ở  Zurich Insurance. Ông Pierre Wauthier chết, có thể coi như hết, song với ông Josef Ackermann, việc phải từ chức cũng là kết cục buồn. Ông mới chỉ gia nhập Zurich Insurance từ tháng 3/2012, sau khi buộc phải rời chiếc ghế CEO Deutsche Bank, ngân hàng thương mại lớn nhất Đức ở một hoàn cảnh không hay ho lắm. Ông bị thất sủng và buộc phải ra đi sau 10 năm lãnh đạo Deutsche Bank. Về với Zurich Insurance, ông Josef Ackermann muốn chứng minh rằng, mình vẫn còn năng lực và còn làm được nhiều việc. Song giờ đây, mọi cơ hội đã khép lại với ông.

Một số người am hiểu nội tình nhận xét, bản thân ông Josef Ackermann cũng phải chịu áp lực không nhỏ từ lãnh đạo Zurich Insurance. Kết quả kinh doanh gần đây của Zurich Insurance chưa thể làm cho ban lãnh đạo Tập đoàn hài lòng. Trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của Zurich Insurance giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, còn giá cổ phiếu cũng giảm 10%.

Cũng có lời phàn nàn về phong cách lãnh đạo của ông. Không phải ngẫu nhiên, mà cách đây không lâu, hai nhà quản lý cao cấp dưới quyền ông là Kevin Hogan, Giám đốc khối bảo hiểm nhân thọ đã ra đi để làm cho Tập đoàn AIG (Mỹ). Trước đó, ông Mario Greco cũng chia tay Zurich Insurance để gia nhập Tập đoàn bảo hiểm Generali (Italia).


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục