Chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ ngừng hoạt động

Nếu Thượng viện không thông qua dự luật ngân sách của Hạ viện, và hết ngày 30/9, Quốc hội chưa thống nhất được vấn đề này, nhiều cơ quan chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa, lần đầu tiên trong 17 năm qua.
Chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ ngừng hoạt động

Chỉ còn chưa đầy nửa ngày nữa, Chính phủ Mỹ sẽ bước sang tài khóa 2014. Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách cho năm tới vẫn gặp bế tắc khi cả Thượng viện, Hạ viện và Nhà Trắng đều không có ý nhượng bộ. Bloomberg nhận định Mỹ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa một phần Chính phủ, lần đầu tiên sau 17 năm.

 

Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tuyên bố không muốn việc này xảy ra, nhưng không bên nào có ý thương lượng. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, dẫn đầu bởi nghị sĩ John Boehner, muốn trì hoãn việc thực thi chương trình y tế của ông Obama (Obamacare) trong một năm và sửa đổi một số điều luật. Trong khi đó, đảng Dân chủ của Tổng thống cho biết sẽ không chấp nhận điều kiện này.

 

Trả lời trên Bloomberg, Thượng nghị sĩ Charles Schumer cho biết: "Tôi vẫn còn một tia hy vọng rằng đảng Cộng hòa sẽ tỉnh ngộ". Còn Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy lại tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không để Chính phủ bị đóng cửa. Nếu phải đàm phán lâu hơn, chúng tôi vẫn sẵn sàng".

 

Thượng viện Mỹ nhóm họp lúc 2h chiều 30/9 (giờ Mỹ). Giới phân tích dự đoán họ sẽ bác bỏ kế hoạch ngân sách mới nhất do Hạ viện đưa lên, đồng thời thông qua và gửi trả về Hạ viện một bản khác.

Bảo tàng Smithsonian từng đóng cửa năm 1995 vì Chính phủ không có ngân sách hoạt động. Ảnh: Bloomberg

 

Ông Obama cũng sẽ họp nội các vào thời điểm đó khi nhiều cơ quan Chính phủ đang chuẩn bị đóng cửa. Tổng thống dự định tuyên bố với báo giới rằng sẽ không nhượng bộ đảng Cộng hòa trong vấn đề luật y tế, theo một quan chức nội các Mỹ.

 

Luật cải cách y tế của chính quyền Obama quy định tất cả người Mỹ phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014. Mục đích là giúp khoảng 32 triệu người Mỹ được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm. Tuy nhiên, kinh phí cho chương trình này lại được đề xuất lấy từ việc tăng thuế thêm 5% với những người có thu nhập trên 1 triệu USD mỗi năm. Tầng lớp người giàu và đảng Cộng hòa đã phản đối đạo luật này vì cho rằng nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỷ USD tiền thuế đối với người Mỹ.

 

Theo thống kê của BBC, nếu các cơ quan liên bang đóng cửa, khoảng 800.000 công chức sẽ phải dừng việc vô thời hạn. Trong đó, một nửa là nhân viên Bộ Quốc phòng. Các công viên quốc gia và bảo tàng Smithsonian tại Washington sẽ phải đóng cửa. Lương hưu và trợ cấp cho cựu binh cũng sẽ bị trì hoãn. Các đơn xin cấp visa và hộ chiếu cũng không được xử lý. Tuy nhiên, các hoạt động thiết yếu, như kiểm soát không lưu, an ninh quốc gia hay năng lượng/vũ khí hạt nhân vẫn sẽ được tiếp tục.

 

Các nhà kinh tế học cũng tính toán tăng trưởng quý IV của Mỹ có thể giảm tới 1,4%, tùy theo thời gian Chính phủ bị đóng cửa, chủ yếu do quá nhiều nhân viên phải nghỉ việc.

 

Mối lo Chính phủ Mỹ đóng cửa đã khiến chứng khoán Mỹ liên tục lao dốc. Tính đến 10h30 sáng nay (giờ New York), chỉ số S&P 500 giảm 0,5%, Dow Jones mất 0,64% và Nasdaq giảm 0,17%. Dầu thô cũng giao dịch ở gần đáy ba tháng khi giá dầu WTI giảm tới 1,7%.

 

Thị trường Á – Âu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. FTSE (Anh) giảm 0,77% và Dax (Đức) mất 0,85%. Còn tại châu Á, đóng cửa phiên hôm nay, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2%. Hang Seng Hong Kong (Trung Quốc) cũng mất 1,5%. Trong khi đó, ASX của Australia và Kospi (Hàn Quốc) giảm lần lượt 1,7% và 0,7%.

 

Nếu ngân sách không được thông qua, đây cũng không phải lần đầu tiên Chính phủ Mỹ bị đóng cửa. Họ đã rơi vào tình trạng này 17 lần kể từ năm 1977, theo Bloomberg. Trong đó, thời gian ngắn nhất là một ngày và dài nhất là 21 ngày (năm 1996).

 

Cuộc chiến ngân sách Mỹ bắt đầu nóng lên từ ngày 20/9. Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời trị giá 986 tỷ USD, tài trợ cho hoạt động của các cơ quan liên bang trong thời 1/10 - 15/12. Tuy nhiên, các hoạt động được cấp ngân sách không bao gồm chương trình chăm sóc y tế của Chính quyền ông Obama.

 

Sau khi được gửi lên, Thượng viện - do đảng Dân chủ của Tổng thống chiếm ưu thế, đã loại bỏ điều kiện về Obamacare và gửi trả về Hạ viện bản ngân sách khác ngày 27/9.

 

Đến 29/9, Hạ viện lại duyệt bản ngân sách kèm điều kiện hoãn thực hiện Obamacare trong một năm. Họ cũng thông qua hủy bỏ đánh thuế các thiết bị y tế để lấy kinh phí cho chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, và đảm bảo các binh sỹ Mỹ vẫn được trả lương trong trường hợp Chính phủ đóng cửa.

 

Dự luật này hiện đã được gửi lên Thượng viện và chờ bỏ phiếu vào 2h chiều ngày 30/9 (giờ Mỹ). Nếu tiếp tục không được thông qua, nhiều cơ quan liên bang có nguy cơ phải đóng cửa do không có kinh phí hoạt động. Năm tài chính 2014 của Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu vào ngày 1/10.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục