Chính phủ các nước ra sức cứu trợ ngành hàng không thời Covid-19

Thụy Điển, Đan Mạch, Australia, Mỹ… lần lượt có các động thái dồn sức cứu trợ các hãng hàng không “gặp hạn” Covid-19 và buộc phải cắt giảm công suất hoạt động trong nước lẫn quốc tế.
Singapore Airlines dự tính giảm một nửa công suất hoạt động đến cuối tháng 4, nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm công suất nếu tình hình khó khăn vẫn kéo dài. Ảnh: AFP Singapore Airlines dự tính giảm một nửa công suất hoạt động đến cuối tháng 4, nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm công suất nếu tình hình khó khăn vẫn kéo dài. Ảnh: AFP

Hỗ trợ đồng loạt

Thông tin từ Reuters cho thấy các hãng hàng không Mỹ đã đề nghị chính quyền Tổng thống Donald Trump cung cấp các khoản trợ cấp và các khoản vay với tổng giá trị 50 tỷ USD, đồng thời giảm thuế lên tới hàng chục tỷ USD. Trên thực tế, khoản hỗ trợ ngành hàng không “gặp hạn” Covid-19 đã được nhắc đến trong gói kích thích kinh tế tổng thể mà chính quyền Trump mới đây đề cập với các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trên Đồi Capitol.

Trong khi đó, hãng sản xuất chế tạo máy bay Boeing đã kêu gọi chính phủ Mỹ cung cấp khoản hỗ trợ ít nhất 60 tỷ USD để cứu thanh khoản, trong đó ưu tiên bảo lãnh cho vay cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Mỹ bởi các hãng hàng không Mỹ đã dừng giao hàng và ngừng nhận các đơn hàng mới để tiết kiệm tiền mặt.

Trong khi đó, Airbus - đối thủ của Boeing - cũng phát tín hiệu cần đến sự hỗ trợ từ chính phủ nếu đại dịch Covid-19 kéo dài thêm vài tháng, 3 nguồn thạo tin của Reuters cho hay.

Chính phủ Australia đã đánh tiếng rằng nước này sẽ hoàn và miễn các khoản phí cho các hãng hàng không, bao gồm phí kiểm soát không lưu trong nước với tổng giá trị lên tới 715 triệu đô la Australia (430 triệu USD) trong đó có cả số tiền thanh toán trước 159 triệu đô la Australia. Bên cạnh đó, chính phủ nước này khuyên cáo người dân không xuất cảnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Đài Loan mới đây cho biết các hãng hàng không của Đài Loan có thể nộp đơn xin trợ cấp và hỗ trợ các khoản vay từ ngày 15/1 trở về trước. Còn Thụy Điển và Đan Mạch cũng vừa công bố khoản bảo lãnh cho vay 300 triệu USD cho hãng hàng không Bắc Âu SAS.

Hãng hàng không El Al Airlines của Israel hôm 18/3 cho hay hãng này đã cho 5.500/6.000 nhân viên nghỉ không lương đến ngày 31/5 sau khi cắt giảm lịch trình bay.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã “đốt” 41% (tương đương 157 tỷ USD) giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên thế giới. Nhiều công ty hàng không đã cạn tiền mặt đến mức chỉ có thể chi trả chi phí chưa đầy 2 tháng. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngành hàng không thế giới cần đến gói hỗ trợ 200 tỷ USD từ các chính phủ.

Xoay sở trước đại dịch, các hãng hàng không Mỹ đang tìm cách nhanh chóng cắt giảm nhân viên mà giải pháp tình thế là cho nghỉ không lương tới 12 tháng nhưng kèm các phúc lợi y tế hoặc cung cấp các gói hưu trí sớm trong trường hợp các hãng này khó phục hồi.

Lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không trên toàn cầu dự báo sẽ giảm tới 30% trong năm nay, nhu cầu hàng không sẽ chỉ phục hồi toàn bộ vào năm 2022 hoặc 2023, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global nhận định.

Helane Becker, chuyên gia phân tích của ngân hàng đa quốc gia Cowen (Mỹ) cho rằng: “Nguy cơ rất đáng báo động, ngành hàng không đang đứng trước nguy cơ sụp đổ khi các chính phủ đang cách ly phần lớn dân số và đóng cửa biên giới”.

Kịch bản tệ hại hơn

Việc các quốc gia thắt chặt lệnh hạn chế đi lại do dịch Covid-19 lan rộng càng khiến các hãng hàng không “khó thở” hơn. United Airlines của Mỹ cho hay họ sẽ cắt giảm 60% công suất bay trong tháng 4, bao gồm 85% các chuyến bay quốc tế, còn Air New Zealand hôm 18/3 thông báo tạm ngừng hoạt động thêm 2 ngày để đánh giá các tác động tài chính khi tiếp tục cắt giảm công suất.

CEO của Air New Zealand Greg Foran cho biết, có đến 30% trong số 12.500 nhân viên của hãng này sẽ dư thừa và hãng này sẽ cho phép nhân viên nghỉ không lương và các khoản trợ cấp tự nguyện trước khi quyết định cắt giảm nhân viên.

Một hãng hàng không khác của New Zealand - Auckland International Airport - cũng đang hứng chịu hậu quả nặng nề của đại dịch. Hãng này mới đây cho biết lượng hành khách quốc tế của họ đã giảm hơn 44% so với một năm trước.

Theo Bộ trưởng Lao động Philippines Silvestre Bello, Qatar Airways đã sa thải khoảng 200 nhân viên, toàn bộ số nhân viên này là người Philippines đang làm việc tại trụ sở Qatar.

Tại Australia, Qantas Airways vừa công bố kế hoạch cắt giảm 90% công suất bay quốc tế, trong khi Virgin Australia Holdings - hãng bay lớn thứ 2 của nước này - cho biết sẽ hoãn tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 30/3 - 14/6, đồng thời cắt giảm một nửa công suất nội địa. Động thái này sẽ khiến một lượng lớn nhân viên của Virgin Australia Holdings phải “ra đường”.

Mới đây, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Asia có trụ sở tại Singapore thông báo họ sẽ ngừng bay hoàn toàn trong 3 tuần từ ngày 23/3 đến ngày 15/4. Còn Singapore Airlines dự tính giảm một nửa công suất hoạt động đến cuối tháng 4 và nhiều khả năng sẽ giảm thêm công suất nếu tình thế khó khăn vẫn tiếp diễn.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục