Chiến tranh không là thảm họa với thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm trước tin tức cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ khiến một trong những vị tướng lĩnh cấp cao quan trọng bậc nhất của Iran thiệt mạng. Sau đó, vào giữa tuần đã giảm tiếp sau những vụ phóng tên lửa của Iran vào căn cứ quân sự Mỹ để trả đũa.
Chiến tranh không là thảm họa với thị trường chứng khoán

Trong khi đó, giá vàng ngay lập tức leo lên mức cao nhất 6 năm qua, đồng hành cùng giá dầu. Trái phiếu chính phủ trở thành điểm đến được ưa chuộng như thường lệ khi mối lo sợ xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran sẽ leo thang thành chiến tranh.

Các phản ứng trên khiến không ít người đặt ra câu hỏi: Cuộc chiến nhiều khả năng sắp xảy ra sẽ tác động như thế nào tới thị trường chứng khoán? Dựa vào các dữ liệu lịch sử, câu trả lời là: Với thị trường chứng khoán, chiến tranh không phải thảm họa.

Tác động tức thời, ngắn ngủi

Diễn biến thị trường chứng khoán thường chịu tác động tức thời trước một số sự kiện, nhất là biến động địa chính trị.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa thị trường và các tác nhân gây ảnh hưởng thường mang tới kết quả không như “tưởng tượng”.

Trong 6 tháng kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu vào năm 1914, chỉ số Dow Jones giảm hơn 30%.

Do chiến tranh khiến hoạt động kinh doanh trên toàn cầu đình trệ và thị trường không có thanh khoản, đa phần các thị trường chứng khoán lớn đã đóng cửa trong năm này.

Tuy nhiên, sau khi đóng cửa 6 tháng, mức dài nhất từng được ghi nhận trong kịch sử, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 88% năm 1915 khi mở cửa hoạt động trở lại, khiến đây trở thành năm có mức tăng trưởng mạnh nhất đối với chỉ số này.

Thực tế, kể từ khi chiến tranh thế giới bắt đầu năm 1914 và kết thúc vào cuối năm 1918, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 43%, tương ứng mức tăng trung bình 8,7%/năm.

Thị trường chứng khoán cũng diễn biến tương tự trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Khi Hitler xâm lược Ba Lan vào 1/9/1939, bắt đầu cuộc chiến, thị trường chứng khoán mở cửa vào ngày 5/9 và chỉ số Dow Jones tăng gần 10%.

Khi cuộc tấn công Trân Châu Cảng xảy ra vào đầu tháng 9/1941, thị trường giảm 2,9% trong ngày diễn ra sự kiện, nhưng mất chưa tới 1 tháng đề hồi phục và giữ xu hướng tăng.

Khi quân đồng minh tiến vào nước Pháp ngày 6/6/1944, thị trường chứng khoán gần như “ngó lơ” diễn biến này. Chỉ số Dow Jones tăng hơn 5% trong tháng 6/1944.

Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu năm 1939 cho tới khi kết thúc vào cuối năm 1945, chỉ số Dow Jones tăng gần 50%, tương ứng mức tăng trung bình hơn 7%/năm.

Như vậy, trong khoảng thời gian của 2 cuộc chiến tranh tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, thị trường chứng khoán Mỹ tăng tổng cộng 115%.

Cuộc chiến tranh Hàn Quốc bắt đầu vào mùa hè năm 1950 khi Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38 để tấn công Hàn Quốc và kết thúc vào mùa hè năm 1953. Trong giai đoạn này, chỉ số Dow Jones giữ vững đà tăng trung bình 16%/năm, leo dốc gần 60%.

Khi quân đội Mỹ được cử tới Việt Nam vào tháng 3/1965, chỉ số Dow Jones vẫn kết thúc với mức tăng gần 10%.

Tính cho tới khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam năm 1973, thị trường chứng khoán tăng gần 43%, với mức tăng trung bình gần 5%/năm.

Một sự kiện không thể không nhắc tới là khi thế giới ở bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân vào tháng 10/1962, khi khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra.

Trong 2 tuần căng thẳng nhất, thị trường chứng khoán tỏ ra bình tĩnh một cách bất ngờ, khi chỉ giảm 1,2%. Từ thời điểm đó cho tới cuối năm, chỉ số Dow Jones vẫn tăng hơn 10%.

Thị trường chứng khoán Mỹ có phản ứng mạnh nhất với sự kiện địa chính trị là khi cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ diễn ra ngày 11/9/2001.

Khi đó, thị trường giảm gần 15% trong chưa tới 2 tuần khi thảm kịch diễn ra. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, nền kinh tế Mỹ thời điểm đó đang ở giữa giai đoạn khủng hoảng, cổ phiếu “rơi tự do” khi “bong bóng dotcom” vỡ tung.

Vậy nhưng trong vài tháng sau đó, xu hướng tăng của thị trường đã được thiết lập lại.

Khi Mỹ tấn công Iraq vào tháng 3/2003, thị trường chứng khoán tăng 2,3% trong ngày tiếp theo và kết thúc năm với mức tăng hơn 30% kể từ thời điểm tháng 3.

Đà tăng mạnh này một phần tới từ việc thị trường bước qua xu hướng giảm giai đoạn 2000-2002.

Có thể thấy, số liệu lịch sử cho thấy, thị trường chứng khoán phản ứng trước chiến tranh và các sự kiện địa chính trị theo hướng tức thời, nhưng ngắn hạn.

Chiến tranh không là thảm họa với thị trường chứng khoán  ảnh 1

3 lần xung đột Mỹ - Iran gần nhất

Trong 3 lần gần nhất Mỹ - Iran diễn ra xung đột, bao gồm chiến tranh vùng vịnh (tháng 8/1990), chiến tranh Iraq (2003) và phong trào Mùa xuân Ả Rập (2011), thị trường chứng khoán Mỹ thường theo hướng đi xuống. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 sẽ tìm đáy trong khoảng 50 ngày trước khi bắt đầu xu hướng tăng mới.

Chiến tranh không là thảm họa với thị trường chứng khoán  ảnh 2

Mức thay đổi của S&P 500 trong 3 lần xung đột gần nhất với Iran.

Hiện tại, sau hành động trả đũa của Iran, thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có nước Mỹ giảm điểm, nhưng không biến động quá mạnh.

Sự bình tĩnh của thị trường chứng khoán Mỹ xuất phát từ nhiều lý do, nhưng nổi bật nhất là vị thế hiện tại của nước Mỹ so với cách đây 3 thập kỷ đã có nhiều khác biệt.

Theo đó, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định, tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp ở mức thấp… Kể từ tháng 11/2019, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất toàn cầu lần đầu tiên trong một thập kỷ qua theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Sự độc lập về nguồn cung dầu mỏ tạo vị thế mới cho Mỹ trên thị trường và đà tăng của giá dầu hiện tại khiến không ít doanh nghiệp Mỹ hưởng lợi.

Thậm chí, xung đột hiện tại khiến nhà đầu tư đặt kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo bệ đỡ cho thị trường tài chính trước các biến động. Việc Fed cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2019 đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến một trong những năm tăng trưởng tích cực nhất thập kỷ, với chỉ số S&P 500 tăng 28,9%.

Hành động tiếp theo

Theo giới chuyên gia, quãng thời gian nhiều bất ổn vừa qua đã dạy nhà đầu tư bài học đắt giá, đó là đón nhận mọi tin tức “giật gân” với thái độ bình tĩnh nhất.

“Nhà đầu tư ngày nay đã chứng kiến thị trường nhanh chóng hồi phục từ các sự kiện như vụ tấn công 11/9 cho tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vốn được xem là những biến động kinh tế - chính trị gây sốc nhất thời đại.

Do đó, việc giữ tâm lý ổn định trước các sự kiện lớn trở nên dễ dàng hơn với nhà đầu tư”, David Kelly, chiến lược gia trưởng quỹ đầu tư toàn cầu của JPMorgan chia sẻ.

Tất nhiên, điều nhà đầu tư không muốn nhất chính là yếu tố bất ổn.

Do đó, trong “màn sương” khó đoán định hiện tại, một số tổ chức đầu tư lớn bắt đầu đưa ra nhận định nhằm giúp nhà đầu tư ổn định tâm lý, cũng như có thể nắm bắt cơ hội trong biến động.

Oanda Corporation: “Vàng vẫn là tài sản ưa thích”

Việc Iran tấn công căn cứ quân sự của Mỹ để trả đũa sẽ khiến xung đột giữa 2 quốc gia ngày càng tăng nhiệt.

Trong bối cảnh này, nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ còn đi xuống cho tới hết tháng, thúc đẩy dòng vốn đầu tư chảy mạnh hơn vào các “bến đỗ” an toàn như vàng, trái phiếu.

Edward Moya, chiến lược gia cấp cao tại Oanda Corporation, hãng tư vấn, môi giới đầu tư toàn cầu cho rằng, các cuộc tấn công mới đây chỉ là mở đầu của những ngày tháng xung đột sắp tới.

Dù nhà đầu tư không tin vào khả năng cuộc chiến tranh Trung Đông sẽ thực sự xảy ra, nhưng vàng vẫn được ưu ái lựa chọn.

“Các tài sản an toàn khác như USD hay đồng yên cũng là bến đỗ an toàn. Tuy nhiên, vàng sẽ duy trì ngôi vương cho tới khi xung đột dịu đi”, Moya cho biết.

Theo đó, kim loại quý này nhiều khả năng dễ dàng vượt qua mức đỉnh của năm 2019 và leo lên 1.600 USD/ounce cho tới cuối tháng 1/2020.

Wedbush Securities: “Tận dụng thị trường đi xuống để mua vào”

Thị trường chứng khoán giảm nhẹ là cơ hội vàng để nhà đầu tư mua vào, nhất là với cổ phiếu công nghệ khi giá trở nên rẻ hơn. Đây là chia sẻ của chiến lược gia Dan Ives tại Wedbush Securities.

Cổ phiếu công nghệ là nhóm có màn biểu diễn ấn tượng nhất trong thập kỷ vừa qua và được nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020.

Tuy nhiên, mức giá hiện tại của các cổ phiếu công nghệ hàng đầu không hề rẻ.

Do đó, thời điểm thị trường đi xuống như hiện nay là thời cơ để nhà đầu tư mua vào. Các lĩnh vực cần chú trọng có thể kể tới như nhóm đám mây (Miccrosoft), 5G (Apple), công nghệ y tế (Nuance), an ninh mạng (CyberArk, Fortinet, Varonis, SailPoint, Zscaler)…

CIBC Private Wealth Management: “Nhà đầu tư không nên phản ứng quá đà”

Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa có năm tăng trưởng tích cực nhất kể từ năm 2013 và nhà đầu tư không nên để mối lo ngại về rủi ro địa chính trị hiện tại tác động tới đà tăng trưởng trong dài hạn.

“Xung đột giữa Mỹ và Iran sẽ còn leo thang, làm gia tăng yếu tố bất ổn. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi về xu hướng tăng giá của thị trường không thay đổi.

Cần theo dõi diễn biến tại Iran, song nhà đầu tư không nên phản ứng quá đà”, David Donabedian, giám đốc đầu tư tại CIBC Private Wealth Management chia sẻ.

Một số động lực hỗ trợ đà tăng của thị trường hiện nay là lạm phát Mỹ ở mức thấp, Fed giữ nguyên quan điểm nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp ở mức tích cực.

Chưa kể, thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu giữa Mỹ - Trung Quốc sắp được ký kết cũng là điểm sáng.

UBS: “Duy trì tầm nhìn dài hạn”

Theo Ngân hàng Đầu tư UBS, các dữ liệu lịch sử cho thấy, biến động địa chính trị bất ngờ không tác động lâu dài tới thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ càng, không thể những “tiếng ồn” hiện tại làm thay đổi chiến lược đã xác định trong dài hạn.

“Các rủi ro địa chính trị không có xu hướng trở thành lực đẩy khiến thị trường rơi vào xu hướng giá giảm. Do đó, điều quan trọng hiện tại là duy trì tầm nhìn dài hạn, phù hợp với các kế hoạch tài chính của nhà đầu tư”, Mark Haefele, giám đốc đầu tư toàn cầu tại UBS cho biết.

Bên cạnh đó, UBS nhắc nhở các khách hàng của mình rằng, không nên kỳ vọng đà tăng của giá dầu sẽ kéo dài.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục