Chiếc ghế CEO Bank of America đang lung lay

(ĐTCK-online) Trong tuần qua, giữa lúc "cơn sốt" chứng khoán Mỹ đang ở cao trào điên loạn, ông Brian Moynihan, Giám đốc điều hành (CEO) Bank of America (BofA) đã phải ra điều trần tại cuộc họp bất thường do Quỹ Fairholme Capital Management, một trong những cổ đông lớn nhất của BofA đứng ra tổ chức. Tại đây, trong suốt gần 2 tiếng đồng hồ, ông đã bị "tra tấn" khi liên tục phải trực tiếp trả lời chất vấn trước khoảng 6.000 cổ đông, nhà đầu tư lớn của BofA.
Brian Moynihan Brian Moynihan

Kể từ khi ông Brian Moynihan lên nắm chức CEO (từ ngày 1/1/2010) đến nay, giá cổ phiếu của BofA đã giảm gần 50%, riêng trong ngày 8/8, giảm tới 20%. Trong bối cảnh đó, các cổ đông của BofA như ngồi trên đống lửa, khi tiền bạc của họ bị "bốc hơi" quá nhanh, quá mạnh. Thêm vào đó, cũng trong ngày 8/8, Tập đoàn Bảo hiểm American International Group (AIG) của Mỹ đã đâm đơn kiện BofA, đòi bồi thường 10 tỷ USD vì đã "mua nhầm" từ BofA những chứng khoán được thế chấp bằng tài sản cầm cố (có trị giá tới 28 tỷ USD) trong các năm từ 2005 đến 2007.

Sở dĩ AIG kiện vì thấy trước đó, BofA đã bồi thường 8,5 tỷ USD cho 22 nhà đầu tư tổ chức trong vụ việc có diễn biến tương tự.

Tại cuộc họp, dù bị chịu trận trước những chỉ trích gay gắt, nặng nề từ phía các cổ đông, song ông Brian Moynihan đã cố gắng bình tĩnh giải thích từng việc cụ thể.

Lần đầu tiên, ông thừa nhận sai lầm của người tiền nhiệm, ông Kenneth Lewis khi năm 2008 mua lại ngân hàng cho vay cầm cố Countrywide Financial với giá 4 tỷ USD, để bây giờ ông phải lãnh đủ theo kiểu "là kẻ đổ vỏ cho người ăn ốc".

Về tiết kiệm chi phí, trong quý II vừa qua, BofA đã đóng cửa 63 chi nhánh làm ăn không sinh lời.

Về khoản tiền 16,7 tỷ USD của BofA đầu tư vào khu vực châu Âu, thì có 1,6 tỷ USD đầu tư vào trái phiếu chính phủ (tức là có độ an toàn rất cao); 1,5 tỷ USD khác được bảo đảm ở mức cao nhất và các khoản đầu tư còn lại đều ở mức an toàn khá tốt, không đáng lo.

Tiếp theo, ông khẳng định, BofA vẫn là ngân hàng thương mại lớn nhất Mỹ (xét về tổng tài sản và số dư tiền gửi), có nền tảng tốt, có đủ vốn hoạt động…

Kết thúc phiên họp, ông đã trấn an các cổ đông, nhà đầu tư bằng phát biểu: "Xin các vị cứ bình tĩnh, yên tâm. Tất cả những gì tôi có được đều nằm trong cổ phiếu của BofA. Tất cả ban lãnh đạo ngân hàng đều được trả lương bằng cổ phiếu. Vì thế, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giá cổ phiếu không tụt dốc. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu đề ra".

Đã có một số nhà bình luận nói đùa rằng, ông diễn thuyết giống hệt như chính khách vận động bầu cử, tức là hứa hẹn rất nhiều.

Một số nhà phân tích nhận xét, động thái vừa qua cho thấy, chiếc ghế CEO của ông Brian Moynihan đang bị lung lay, nếu không khéo chống đỡ, chèo chống và chứng minh được khả năng đích thực của mình, thì việc ông sớm phải rời khỏi chức CEO hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo một số nguồn tin, ngay trong tuần qua, lãnh đạo BofA đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo 2 quỹ đầu tư vốn nhà nước của Kuwait và Qatar là  Kuwait Investment Authority và Qatar Investment Authority, với nội dung chính là việc BofA muốn chuyển nhượng 10% cổ phần của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank - CCB) có trị giá khoảng 17 tỷ USD cho 2 quỹ này.

Bruce Thompson, Giám đốc phụ trách tài chính (CFO) BofA không phủ nhận thông tin trên, song cũng không cung cấp chi tiết có liên quan.

Rồi cuối tuần qua, nhiều người đã thấy ông Brian Moynihan có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner và quan chức cao cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Daniel Tarullo. Có thể ông Brian Moynihan đang mong muốn tìm sự hậu thuẫn từ Chính phủ Mỹ. 

Trong cuộc họp với các cổ đông, ông Brian Moynihan có phát biểu câu: "Chúng ta không thể kiểm soát được biển quanh mình".

Tuy câu nói trên thể hiện sự bất lực, song lại rất đúng với thực tế khách quan vừa diễn ra. Tuần qua thực sự là một trong những tuần sóng gió nhất của thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung.

Ngày 8/8, chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 634 điểm. Ngày 9/8 tăng trở lại 429 điểm, để ngay ngày hôm sau lại giảm 519 điểm. Ngày 11/8, chỉ số Dow Jones lại phục hồi tới 423 điểm.

Trong lịch sử nước Mỹ, chưa từng xảy ra chuyện chỉ số Dow Jones nhảy múa điên loạn theo kiểu tăng - giảm vượt quá biên độ 400 điểm trong 4 ngày liên tiếp như thế bao giờ. Hệ quả là, ngày 8/8 và 10/8 đánh dấu mức giảm lớn thứ 6 và thứ 9 của một ngày trong lịch sử chứng khoán Mỹ, trong khi ngày 9/8 và 11/8 lại ghi nhận lần lượt là ngày tăng lớn thứ 10 và 11. Chỉ số Standard & Poor's 500 cũng tăng - giảm liên tục trong mức 4%.

Quả thực, trong bối cảnh như vậy, thì chỉ chẳng có tài thánh nào có thể can thiệp hay xoay chuyển nổi tình hình.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục