Châu Phi ghi nhận gần 13.700 ca mắc COVID-19 mới, 744 người tử vong

Dịch COVID-19 hiện đã lan rộng đến 52/55 quốc gia trên toàn châu Phi, trong số 13.686 ca mắc đã có 2.283 ca được điều trị khỏi và hồi phục sức khỏe tốt.
Lực lượng y tế Nam Phi chuẩn bị tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại một khu dân cư tại ngoại ô thành phố Johannesburg. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN). Lực lượng y tế Nam Phi chuẩn bị tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại một khu dân cư tại ngoại ô thành phố Johannesburg. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN).

Ngày 12/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi cho biết châu lục này đến nay đã ghi nhận tổng cộng 13.686 ca mắc COVID-19, trong đó có 744 trường hợp tử vong.

Phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Bắc Phi cho biết, dịch COVID-19 đến nay đã lan rộng đến 52/55 quốc gia trên toàn châu Phi.

Trong số 13.686 ca mắc, đã có 2.283 ca được điều trị khỏi và hồi phục sức khỏe tốt.

Kể từ ngày 27/1, Liên minh châu Phi (AU) đã kích hoạt CDC châu Phi và hệ thống quản lý sự cố (IMS) để thực hiện các hoạt động khẩn cấp và đối phó đại dịch COVID-19.

Hiện, CDC Châu Phi đang kế hoạch hành động thứ 3, diễn ra từ ngày 16/3-15/5, để đối phó đại dịch COVID-19 trên toàn lục địa.

Cùng ngày, chính phủ Sudan đã ban bố lệnh cấm mọi hình thức vận chuyển người giữa các thành phố cũng như triển khai luật khẩn cấp để đảm bảo tuân thủ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo Hội đồng lãnh đạo hỗn hợp, lệnh cấm phương tiện chở khách tư nhân và thương mại giữa các thành phố, các bang sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Bên cạnh đó, theo luật khẩn cấp, những người vi phạm các quy định về giới nghiêm, hạn chế đi lại, không chấp hành các biện pháp kiểm dịch, che giấu, khai báo không trung thực thông tin liên quan tình hình sức khỏe hoặc cản trở việc điều trị y tế có thể sẽ phải đối mặt với việc xử lý hình sự.

Đến thời điểm hiện nay, Sudan mới chỉ ghi nhận 19 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 2 người đã tử vong, nhưng dịch COVID-19 xuất hiện ở thời điểm nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế.

Với điều kiện cạn kiệt về nguồn lực hiện tại, hệ thống y tế Sudan không thể ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát triên diện rộng.

Nước này hiện chỉ có khoảng 100 máy thở nhân tạo và số lượng giường bệnh hạn chế phục vụ điều trị COVID-19.

Cũng trong ngày 12/4, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã kêu gọi người dân nước này tiếp tục hạn chế ra ngoài để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh chính phủ đang cân nhắc việc gia hạn lệnh giới nghiêm áp đặt tại tại một số bang.

Kể từ ngày 31/3, Chính phủ Nigeria đã ban bố phong toả Lagos, Ogun và thủ đô Abuja. Người dân bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài để mua sắm thương thực, thực phẩm và trong những trường hợp đặc biệt. Lệnh giới nghiêm dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 13/4.

Người phát ngôn Tổng thống cho biết hiện chưa có thông tin về khả năng kéo dài lệnh giới nghiêm, bởi đây không phải là quyết định chính trị thông thường mà phải dựa trên cơ sở y tế và khoa học.

Chính vì vậy, chính phủ Nigeria chỉ đưa ra quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm sau khi tham vấn các chuyên gia y tế và khoa học.

Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi, với gần 200 triệu người, cũng là nước có số người sống dưới mức nghèo khổ cao nhất thế giới.

Đến nay Nigeria đã ghi nhận 318 ca mắc, trong đó 10 người đã tử vong.

Dù là nền kinh tế lớn nhất châu Phi nhưng Nigeria cũng đối mặt với những khó khăn nhất định trong đối phó dịch COVID-19, do những hạn chế của hệ thống y tế.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục