CEO Pfizer từ chức vì không chịu được áp lực

(ĐTCK-online) Trong tuần qua, ông Jeffery B. Kindler, 55 tuổi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer, tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới của Mỹ đã đột ngột xin từ chức với lý do không chịu nổi sức ép của công việc, sức chịu đựng của ông đã đến ngưỡng. Ngay sau đó, Ban lãnh đạo Pfizer đã bổ nhiệm ông Ian Read, 57 tuổi, Phó chủ tịch đảm đương chức CEO.
Jeffery B. Kindler Jeffery B. Kindler

Như vậy, sau khoảng 4 năm rưỡi lãnh đạo Pfizer, ông Jeffery B. Kindler tự ý xin rút lui, ra đi giữa chừng. Dù ông đơn phương từ chức, song Tập đoàn cũng không để ông bị thiệt thòi về mặt vật chất, khi quyết định đền bù cho ông một khoản trợ cấp cả gói (bao gồm tiền mặt, cổ phiếu và một số ưu đãi vật chất khác) có tổng trị giá lên tới 9,6 triệu USD.

Năm 2009, ông Jeffery B. Kindler đã nhận lương, thưởng tổng cộng là 13,7 triệu USD. Nói chung về mặt đãi ngộ, lương, thưởng, ông không có điều gì phải phàn nàn, mà chỉ kêu ca sức ép công việc quá lớn, đến mức ông cảm thấy không còn cáng đáng nổi nữa.

Trong đơn xin từ chức, ông Jeffery B. Kindler nêu rõ: “Việc phải thoả mãn những đòi hỏi cao mà các cổ đông và Tập đoàn đặt ra, cộng với cường độ làm việc hầu như là 24/24 trong ngày, liên tục 7 ngày trong tuần đã khiến tôi cảm thấy quá tải, đôi lúc có biểu hiện kiệt sức”.

Trước khi làm việc cho Pfizer, ông Jeffery B. Kindler đã từng là Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Chi nhánh New York, rồi là nhà quản lý cao cấp của Tập đoàn kinh doanh chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s. Ông đã tốt nghiệp cử nhân luật của Đại học Harvard, nhưng không hành nghề luật sư, mà theo đuổi các công việc quản lý, kinh doanh. Nay thì ông tạm thời muốn buông tất cả, chỉ nghỉ ngơi để “nạp lại pin và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Trước mắt là như vậy, còn có tiếp tục làm gì nữa hay không thì tính sau”.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, hơn 4 năm qua cũng là những năm khá sóng gió với ngành dược phẩm thế giới nói chung và Tập đoàn Pfizer nói riêng, khi bị ảnh hưởng trầm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cũng phải thừa nhận một thực tế là, trên cương vị CEO tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới, ông Jeffery B. Kindler đã chèo chống khá thành công. Ông đã cải tổ và chia bộ phận bán hàng của Pfizer thành 5 đơn vị nhỏ và phân quyền mạnh hơn. Nhờ đó, doanh thu ở các thị trường mới nổi tăng đáng kể. Ông cũng đã trực tiếp tham gia vào việc đàm phán thành công mua lại Tập đoàn dược phẩm Wyeth với cái giá cao ngất ngưởng tới 68 tỷ USD vào tháng 10/2009.

Pfizer nổi tiếng với nhiều loại thuốc đặc hiệu như thuốc giảm cholesterol trong máu Lipitor, thuốc chống “bất lực” dành cho đàn ông Viagra cũng như các loại thuốc chống ung thư, thuốc được cấp bằng sáng chế vẫn đang được bán khá chạy ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, ông cũng bị dính mấy “phốt” lớn. Chẳng hạn, Pfizer đã bị phạt tổng cộng tới 2,3 tỷ USD, trong đó có 1,2 tỷ USD là khoản phạt một lần lớn nhất mà một hãng dược phẩm Mỹ phải trả do vi phạm điều luật quản lý của chính quyền liên bang. Theo cáo buộc, Pfizer đã quảng bá sai luật 13 loại thuốc, trong đó có những loại bán chạy như Viagra, Zoloft, Lipitor, Bextra, Lyrica, Geodon, Zyvox...

Trong chiến thuật tiếp thị của mình, Pfizer đã mời các bác sĩ tới dự những cuộc hội thảo, tư vấn tại các khu nghỉ mát cao cấp, trả cho khách mời toàn bộ chi phí giải trí sang trọng như chơi golf, massage... nhằm khuyến khích các bác sĩ kê đơn với thuốc của Hãng, kể cả dùng chúng để điều trị cho những bệnh, triệu chứng khác với chỉ định mà Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm liên bang (FDA) quy định. Là người đứng đầu, đương nhiên ông Jeffery B. Kindler phải giơ đầu chịu báng, song cũng đã giải quyết ổn thoả.

CEO mới Ian Read có thâm niên làm việc trong ngành dược phẩm lâu hơn người tiền nhiệm nhiều. Năm 1978, ông đã gia nhập đội ngũ của Pfizer rồi kinh qua nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều chi nhánh của Pfizer ở nước ngoài. Ông đã từng là giám đốc phụ trách tài chính (CFO) Chi nhánh Pfizer ở Mexico; Giám đốc Chi nhánh Pfizer ở Brazil, sau đó còn làm việc ở các thị trường châu Âu, Canada, châu Mỹ La-tinh, châu Phi và Trung Đông trước khi trở về Mỹ giữ chức Phó chủ tịch Tập đoàn.

Có sự trùng hợp rất đáng chú ý là, cũng trong tuần qua, Merck & Co, tập đoàn dược phẩm lớn thứ hai Mỹ cũng có sự thay đổi đội ngũ lãnh đạo cấp cao khi có quyết định bổ nhiệm ông Kenneth Frazier, 55 tuổi, Chủ tịch vào chức CEO thay ông  Richard Clark bắt đầu từ ngày 1/1/2011. Lý do là ông Richard Clark sắp bước sang tuổi 65, đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu. Còn ông  Kenneth Frazier lại là đạo diễn chính của vụ mua lại Tập đoàn dược phẩm Schering-Plough Corp. (Mỹ) với trị giá 41 tỷ USD trong năm ngoái.

Chuyện thay đổi lãnh đạo ở 2 tập đoàn dược phẩm lớn nhất Mỹ đúng là theo bài... “ốm tha, già thải”.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục