Bóng ma Covid-19 ám ảnh giới đầu tư

(ĐTCK) Lo lắng về sự bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 khiến giới đầu tư thận trọng, đẩy phố Wall giảm điểm trong phiên cuối tuần qua (19/6).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Các con số thông kê mới cho thấy số người nhiễm Covid-19 mới của Mỹ liên tục tăng lên mức cao kỷ lục trong những ngày qua. Điều này cho thấy, làn sóng lây nhiễm thứ 2 đã xảy ra sớm hơn dự kiến tại Mỹ.

Theo  Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Boston Eric Rosengren, làn sóng lây nhiễm virus Corona lần thứ 2 sẽ phá vỡ sự phục hồi kinh tế. Dẫn chứng đầu tiên là Apple đã tạm thời đóng cửa trở lại một số cửa hàng ở các tiểu bang tâm điểm mới của dịch như Florida, Arizona, Nam Carolina và Bắc Carolina.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch được coi là thách thức và sẽ không có cách khắc phục nhanh.

Rủi ro trên, cùng với căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến giới đầu tư chùn tay, đẩy Dow Jones và S&P giảm điểm trong phiên cuối tuần, trong khi Nasdaq lại may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số Dow Jones giảm 208,64 điểm (-0,80%), xuống 25.871,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,60 điểm (-0,56%), xuống 3.097,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,07 điểm (+0,03%), lên 9.946,12 điểm.

Dù hồi giảm trong phiên cuối tuần, nhưng phố Wall vẫn hồi trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 1,04%, S&P tăng 1,86% và Nasdaq tăng tới 3,73%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu vẫn duy trì đà tăng tốt trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế mới sẽ sớm được thông qua, dù các nhà lãnh đạo EU vẫn có được rất ít tiến bộ trong các cuộc đàm phán.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 68,53 điểm (+1,10%), lên 6.292,60 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 49,23 điểm (+0,40%), lên 12.330,76 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 20,70 điểm (+0,42%), lên 4.979,45 điểm.

Chuỗi tăng điểm với kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế đã giúp chứng khoán châu Âu hồi phục khá tốt trở lại, lấy lại được phân nửa những gì trong tuần mất mát nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng  phát tuần trước. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 3,07%, chỉ số DAX tăng 3,19% và CAC40 tăng 2,90%.

Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tế khi nhiều nước bắt đầu nới dần lệnh phong tỏa, trong khi cuộc đàm phán kéo dài 7 tiếng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng mang lại hy vọng về phá băng căng thẳng giữa 2 cường quốc của thế giới.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 123,33 điểm (+0,55%), lên 22.478,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 28,32 điểm (+0,96%), lên 2.967,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 178,95 điểm (+0,73%), lên 24.643,89 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 7,84 điểm (+0,73%), lên 2.141.32 điểm.         

Phiên tăng điểm cuối tuần cũng giúp chứng khoán châu Á nhanh chóng tăng trở lại trong tuần qua sau tuần điều chỉnh trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,78%, chỉ số Hang Seng tăng 1,41%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,64% và chỉ số Kospi tăng 0,42%.

Giá vàng lại giao dịch giằng co và đóng cửa ít thay đổi trong phiên cuối tuần khi chứng khoán hồi phục trở lại sau báo cáo việc làm khả quan của Mỹ được công bố, đem lại kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giá vàng nhảy vọt trong phiên giao dịch cuối sau khi Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren nói rằng, làn sóng lây nhiễm virus Corona lần thứ 2 sẽ phá vỡ sự phục hồi kinh tế. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung - Ấn, Mỹ - Trung và bán đảo Triều Tiên cũng khiến vai trò trú ẩn của vàng được đẩy lên cao.

Kết thúc phiên 19/6, giá vàng giao ngay tăng 20,9 USD (+1,21%), lên 1.743,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 21,9 USD (+1,27%), lên 1.753,0 USD/ounce.

Phiên khởi sắc cuối tuần giúp vàng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay tăng 2,37%, còn giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 0,90%.

Với nỗi lo suy thoái kinh tế và làn sóng bùng phát Covid lần thứ 2, căng thẳng địa chính trị, nên cả giới phân tích và đầu tư phần lớn vẫn đặt vào cửa giá vàng tiếp tục tăng cao hơn, nhưng không còn tự tin như tuần trước đó.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời khảo sát có 9 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 56%, thấp hơn con số 71% của tuần trước, 2 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 13%, trong khi tuần trước không ai dự báo và 5 người dự báo giá vàng đi ngang, chiếm 31%.

Tương tự, trong 1.299 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 688 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 53%, thấp hơn so với con số 62% của tuần trước; 302 lượt dự báo giá giảm, chiếm 23%, thấp hơn so với 24% của tuần trước và 309 lượt dự báo đi ngang, chiếm 24%.

Trong khi đó, bất chấp nguy cơ về làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2 và căng thẳng địa chính trị, giá dầu thô lại nhanh chóng tăng trở lại trong phiên cuối tuần, qua đó giúp giá loại nhiên liệu này tăng trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó.

Kết thúc phiên 19/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,91 USD (+2,29%), lên 39,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,68 USD (+1,61%), lên 42,19 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 9,62% và giá dầu thô Brent tăng 8,93%, lấy lại được hết những gì đã mất trong tuần trước đó.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục