“Bóng ma” chiến tranh tiền tệ đang trở lại?

Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh báo nước này sẽ "phản công" nếu như bùng phát một cuộc chiến tranh tiền tệ giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, mà dẫn đầu là Mỹ và Nhật Bản, trang tin The Australian cho biết.
Khái niệm "chiến tranh tiền tệ" được nhắc đến lần đầu tiên trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, tại Sao Paulo hôm 27/9/2010. Khái niệm "chiến tranh tiền tệ" được nhắc đến lần đầu tiên trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, tại Sao Paulo hôm 27/9/2010.

Theo The Australian, cuối tuần trước, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương đã nói rằng, Trung Quốc sẽ phản công nếu cần nhằm bảo vệ đồng Nhân dân tệ của họ và lợi thế thương mại mà họ có được. Phát biểu này đã gây ra những đồn đoán rằng, một cuộc chiến tiền tệ sẽ bùng nổ, trong bối cảnh đồng Yên của Nhật Bản đang được định giá thấp ít nhất là 20%, kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền.

                  

Ông Abe từng nói rằng, chính sách tiền tệ của Nhật Bản sẽ được nới lỏng để chấm dứt tình trạng giảm phát hiện nay của quốc gia này. Một số ý kiến nhận định, chính sách của chính phủ mới ở Nhật Bản đã thao túng tỷ giá đồng Yên nhằm nâng kim ngạch xuất khẩu và hỗ trợ cho nền kinh tế Nhật Bản đang dậm chân tại chỗ. Nhiều nhà phân tích tin rằng, Nhật có thể sẽ đưa ra những hỗ trợ tài chính lớn hơn trong giai đoạn sắp tới.

 

Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương nói, nước này tin rằng, các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tôn trọng thỏa thuận đã đạt được tại một hội nghị của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) gần đây về việc không cắt giảm lãi suất cơ bản nhằm nâng cao vị trí thương mại. Tuy nhiên, một số quốc gia có biểu hiện không thu hẹp quy mô các gói hỗ trợ tài chính, chương trình nới lỏng định lượng.

 

Trước đó, hôm 16/2, các bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 đã cam kết không tự giảm giá nội tệ để cạnh tranh tại hội nghị ở Moscow (Nga). Trước khi hội nghị diễn ra, các nhà đầu tư và chính trị gia lo ngại một số nước có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu còn mong manh khi nỗ lực giảm giá nội tệ để mang lại lợi ích về kinh tế.

 

Kết thúc hội nghị, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nói: “Chúng ta từng nghe đến những lo ngại về việc phá giá tiền tệ nhưng không phải chiến tranh tiền tệ. Hội nghị G20 lần này có đối thoại, tranh cãi, thảo luận nhưng rõ ràng có ích và xây dựng rất nhiều”.

 

"Một cuộc chiến tranh tiền tệ có thể tránh được, nếu các nhà hoạch định chính sách ở những nền kinh tế lớn tôn trọng ý kiến nhất trí rằng, chính sách tiền tệ nên được dùng như một công cụ hỗ trợ kinh tế nội địa", ông Dịch Cương tuyên bố cuối tuần qua. Ông cũng cho biết, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến về cả các điều kiện chính sách tiền tệ cũng như những cơ chế khác.

 

Cũng theo vị Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này sẽ xem xét kỹ các chính sách nới lỏng định lượng của ngân hàng trung ương các nước.

 

The Australian bình luận, những phát biểu trên đây của ông Dịch Cương có thể sẽ làm xói mòn hơn nữa mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, vốn dĩ đã căng như dây đàn trong suốt vài tháng qua, kể từ sau khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông mà nước này gọi là Senkaku, còn phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

 

Khái niệm "chiến tranh tiền tệ" được nhắc đến lần đầu tiên trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, tại Sao Paulo hôm 27/9/2010. "Thực sự chúng ta đang rơi vào cuộc chiến tranh tiền tệ thế giới, nơi mà các bên tham chiến đua nhau làm yếu đồng tiền của mình. Điều này đe dọa chúng tôi, bởi nó tước đi năng lực cạnh tranh của chúng tôi", ông nói.

 

Về nguyên tắc, đồng tiền yếu sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của nước đó rẻ hơn và cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác. Nhưng khi mà tất cả các nước đều chọn giải pháp này, sẽ tạo xung đột trong các diễn đàn kinh tế quốc tế và các bên khó lòng giải quyết được những vấn đề chung.

 

Vào thời điểm đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã ra tay can thiệp vào tỷ giá hối đoán. Trung Quốc, một cường quốc về xuất khẩu cũng không từ bỏ kế hoạch tiếp tục làm yếu đồng nhân dân tệ, bất chấp áp lực từ Mỹ. Trong khi đó, các quan chức cấp cao từ Singapore cho tới Colombia cũng bóng gió nói về nguy cơ khi mà đồng tiền của họ vẫn duy trì tình trạng như hiện nay.

 

Tuy nhiên, "cuộc chiến tiền tệ" mà ông Mantega nói tới đã bị lãng quên, hoặc bị hạn chế nói tới, khi sau đó chính phủ các nước tập trung vào việc giải quyết bài toán lạm phát. Hàng loạt nền kinh tế mới nổi trên thế giới đang lần lượt tiếp bước nhau tăng lãi suất, từ bỏ những chính sách nhằm ngăn chặn các loại tiền tệ của họ tăng giá để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu.

 

Cuối năm ngoái, tờ Financial Post của Canada số ra ngày 26/12/2012 đã dẫn dự báo của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) về những diễn biến có thể “biến đổi” các thị trường thế giới trong năm 2013. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo các nền kinh tế hàng đầu thế giới còn có nguy cơ rơi vào cuộc chiến tranh tiền tệ mới trong năm 2013 khi nhiều nước tìm cách giải quyết vấn đề kinh tế bằng cách thao túng tiền tệ.

 

Giới phân tích kinh tế nhận định, các ngân hàng trung ương thuộc nhóm 10 quốc gia thành viên của Hiệp ước những dàn xếp chung về cho vay (G-10) cũng nỗ lực hơn nhằm kìm giá nội tệ. Các thành viên G-10 gồm các nước: Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ đã phát ra những tín hiệu rằng họ sẽ can thiệp thị trường nhằm ghìm giá nội tệ trước làn sóng nới lỏng định lượng toàn cầu.

 

Hai nhà kinh tế Adam Cole và Elsa Lignos thuộc Ngân hàng Hoàng gia Canada (CIBC) cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ giá hối đoái đóng vai trò lớn hơn trong quyết định chính sách của các ngân hàng trung ương. G-10 nhiều khả năng sẽ theo chân các nước mới nổi tăng cường can thiệp thị trường tiền tệ hoặc ít nhất điều chỉnh chính sách hối đoái.

 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lượng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng từ 6.700 tỷ USD trong năm 2007 lên 10.500 tỷ USD vào giữa năm 2012, tăng 57% trong vòng chưa đến 5 năm. Trong đó, Thụy Sĩ là nước có mức tăng mạnh nhất. Đây chính là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang tích cực dự trữ ngoại tệ để ngăn chặn xu hướng tăng giá của đồng nội tệ.


VNE

Tin cùng chuyên mục