"Bóng ma" Brexit trở lại, chứng khoán, dầu thô đồng loạt giảm mạnh

(ĐTCK) Sau khi tạm lắng trong tuần qua, nỗi lo về Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn cầu lại trở lại, khiến chứng khoán, giá dầu thoo giảm mạnh, trong khi trở thành trợ lực giúp giá vàng thẳng tiến lên mức cao nhất hơn 2 năm.
Phố Wall mở đầu tuần mới trong nỗi lo của giới đầu tư (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall mở đầu tuần mới trong nỗi lo của giới đầu tư (Ảnh minh họa: AFP)

Sau phiên nghỉ lễ, phố Wall đã trở lại trong sắc đỏ khi nỗi lo Brexit ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu một lần nữa lại được gợi ra. Ngoài ra, việc giá dầu thô lao dốc trong phiên cũng kéo nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo, cũng ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.

Kết thúc phiên 5/7, chỉ số Dow Jones giảm 108,75 điểm (-0,61%), xuống 17.840,62 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,4 điểm (-0,68%), xuống 2.088,55 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 39,67 điểm (-0,82%), xuống 4.822,9 điểm.

Chứng khoán chaau Âu tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp trước đó khi giá dầu thô giảm mạnh, cùng với lo lắng về Brexit ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn cầu lại được gợi nên. Tuy nhiên, chứng khoán Anh hồi nhẹ trở lại trong phiên khi đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất 31 năm, mang lại lợi thế cho cho các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này.

Kết thúc phiên 5/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 23,11 điểm (+0,35%), lên 6.545,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 176,48 điểm (-1,82%), xuống 9.532,61 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 71,44 điểm (-1,69%), xuống 4.163,42 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã chấm dứt bằng phiên giảm hôm thứ Ba do áp lực chốt lời và đồng yên mạnh trở lại.

Tương tự, áp lực chốt lời cũng khéo chứng khoán Hồng Kông giảm trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp. Trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục duy trì đà tăng khi hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực tư nhân của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 11 tháng trong tháng 6.

Kết thúc phiên 5/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 106,47 điểm (-0,68%), xuống 15.669,33 điểm. Chỉ số Hang Seng giảm 308,48 điểm (-1,47%), xuống 20.750,72  điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 17,79 điểm (+0,6%), lên 3.006,39 điểm.

Với việc lo lắng gia tăng, vai trò trú ẩn của vàng lại trở lại và giúp giá kim loại quý này bứt phá lên mức cao nhất 27 tháng.

Kết thúc phiên 5/7, giá vàng giao ngay tăng 5,7 USD (+0,42%), lên 1.356,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 19,7 USD (+1,47%), lên 1.358,7 USD/ounce.

Ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay trên thị trường châu Á, giá vàng đã tăng vụt, vượt qua mức 1.366 USD/ounce.

Lo lắng Anh rời Liên minh châu Âu sẽ làm chậm nền kinh tế toàn cầu, qua đó giảm nhu cầu dầu thô, khiến giá dầu giảm mạnh trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 5/7, giá dầu thô Mỹ giảm 2,39 USD/thùng (-4,88%), xuống 46,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,14 USD (-4,27%), xuống 47,96 USD/thùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục