BoJ, ECB nên học theo bước đi của Fed

(ĐTCK) Ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới hiện vẫn lựa chọn hai hướng đi hoàn toàn khác biệt.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Nhiều nhà phân tích cho rằng, kỷ nguyên lãi suất cực thấp đã đến lúc khép lại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên học theo các bước đi linh hoạt như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong khi Fed đã kết thúc chương trình nới lỏng định lượng từ năm 2014 và có kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa từ mức 0,66%/năm hiện nay, thì trái lại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) lại quyết định mua vào số tài sản trị giá 7.700 tỷ yên (68 tỷ USD/tháng). Mục tiêu của BoJ là đưa lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này ở mức 0% và duy trì lãi suất ở mức -0,1%.

BoJ, ECB nên học theo bước đi của Fed ảnh 1 

Cũng như BoJ, ECB tiếp tục theo đuổi chương trình mua tài sản, dù với mức độ thấp hơn là 60 tỷ euro (64,7 tỷ USD/tháng) bắt đầu từ tháng 4 - 12/2017. Lãi suất tái cấp vốn hiện ở mức 0%, trong khi lãi suất tiền gửi ở ngưỡng -0,4%.

Ngay cả nội bộ ECB cũng thể hiện những lo ngại về chính sách này, khi Chủ tịch Ngân hàng Deutsche Bundesbank, Jens Weidmann cho rằng, việc mua tài sản ở quy mô “khủng” đã phơi bày rủi ro đối với sự ổn định tài chính và làm mờ ranh giới giữa chính sách tiền tệ và tài khóa.

Giới chuyên gia đã chỉ ra 2 lý do vì sao ECB và BoJ nên sớm thoát ra khỏi chính sách tiền tệ “cực lỏng” và từ từ tăng lãi suất cơ bản giống như những gì Fed đã thực hiện.

Thứ nhất, lãi suất cực thấp sẽ tạo ra các đồn đoán trên thị trường, nhân tố sẽ dẫn tới rủi ro khủng hoảng. Ví dụ, bong bóng kinh tế tại Nhật Bản cuối thập niên 80 của thế kỷ trước bắt nguồn từ việc lãi suất bị hạ quá thấp, khi đồng yên tăng giá nhanh chóng sau Thỏa ước Plaza hồi năm 1985.

Còn tại châu Âu, các đợt cắt giảm lãi suất của ECB sau khi bong bóng dot-com vỡ đã tạo ra tình trạng tăng trưởng tín dụng quá mức và bong bóng chuyển sang lĩnh vực bất động sản tại khu vực Tây Âu và Nam Âu.

Khủng hoảng đồng euro cũng châm ngòi cho các biện pháp giải cứu chưa từng có tiền lệ dành cho Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Do chính sách tiền tệ quá nới lỏng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, thị trường chứng khoán và bất động sản của nước này đã cho thấy những nét tương đồng với Nhật Bản thời kỳ bong bóng bùng nổ.

Thứ hai, một khi bong bóng vỡ, các hoạt động hồi sinh nền kinh tế dựa trên nguồn tiền chi phí rẻ không phát huy hiệu quả. Thay vào đó, dòng tiền rẻ không giới hạn càng trở thành gánh nặng đối với tăng trưởng kinh tế.

Nhật Bản từng khởi động các liệu pháp phục hồi kinh tế ngay đầu thập niên 1990, bắt đầu từ nguồn lực hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ trái với thông lệ đó lại làm xói mòn mô hình kinh doanh truyền thống của hệ thống ngân hàng là nhận tiền gửi của các hộ gia đình và cung cấp khoản vay cho doanh nghiệp.

Mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi tại Nhật Bản đứng ở mức 3,5 điểm phần trăm giai đoạn thập niên 1980. Kể từ khi bong bóng vỡ, BoJ đã đẩy mức chênh lệch này xuống chỉ còn dưới 1 điểm phần trăm.

Các ngân hàng thương mại tại Nhật Bản phải bù đắp một phần doanh thu sụt giảm bằng cách mua và bán trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Song kể từ khi chương trình chấn hưng kinh tế (Abenomics) của Thủ tướng Shinzo Abe được khởi động, BoJ đã trở thành đối tượng mua vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản lớn nhất, đẩy lợi suất trái phiếu giảm và khiến các ngân hàng thương mại độc lập càng trở nên khó khăn hơn, buộc họ phải chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài.

Một số ngân hàng khu vực có quy mô nhỏ tại “đất nước Mặt trời mọc” đang đứng trước nhiều sức ép, từ chuyện thiếu kinh nghiệm kinh doanh tại nước ngoài cho tới giải quyết các rủi ro trong giao dịch ngoại hối. Nhật Bản đang có kế hoạch tinh gọn khu vực ngân hàng, khi sẽ giảm một nửa số lượng các ngân hàng khu vực tới năm 2020, cũng như đẩy nhanh các thương vụ mua bán sáp nhập ngân hàng.

Việc tiếp tục hạ lãi suất cũng không còn tác động mạnh tới quyết định đầu tư của các công ty. Hơn hết, việc cải thiện các điều kiện kinh doanh nói chung mới là điều cần thiết để khởi động hoạt động đầu tư. Thay vào đó, các ngân hàng trung ương lại đang duy trì một cấu trúc kinh tế bị bóp méo: các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp hoặc thua lỗ vẫn được hỗ trợ để duy trì hoạt động vì lo sợ nợ xấu tăng cao.

Một vấn đề đáng lo ngại khác với Nhật Bản là tình trạng dân số già khiến sức mua và tiêu thụ trì trệ. Chính phủ Nhật Bản đã nhận ra vấn đề này và cố tìm cách bù đắp bằng thúc đẩy nhu cầu chính phủ. Điều này giúp duy trì tăng trưởng ngắn hạn, song đẩy nợ chính phủ tăng lên ngưỡng 250% GDP.

Sớm hay muộn ECB và BoJ cũng sẽ phải thay đổi cái nhìn về chính sách tiền tệ nới lỏng của mình. Song những rủi ro xuất phát từ việc kéo dài chương trình này có đủ sức để thúc đẩy hai thể chế tài chính này sớm thay đổi suy nghĩ của mình?

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục