Boeing, Airbus “trúng số” tại châu Á

(ĐTCK) Tốc độ tăng trưởng chóng mặt của lĩnh vực hàng không châu Á, trong đó Trung Quốc là động lực chính, cùng với việc gia nhập thị trường của hàng loạt hãng hàng không mới đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất máy bay như Boeing, Airbus sẽ nhận được hàng tỷ USD đơn đặt hàng.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có khoảng 3,5 tỷ khách hàng hàng không cho tới năm 2036, con số này gấp đôi lượng khách dự báo tại cả Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Để đáp ứng nhu cầu này, Booeing dự kiến các hãng hàng không cần thêm 16.050 máy bay mới, với giá trị vào khoảng 2,5 nghìn tỷ USD cho tới năm 2036.

“Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới”, Dinesh Keskar, Phó chủ tịch cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Boeing trả lời tại Triễn lãm Hàng không Singapore vừa diễn ra vào đầu tuần này.

Cũng tại sự kiện này, lãnh đạo cấp cao của các nhà sản xuất máy bay, từ CEO Airbus SE Tom Enders tới Phó chủ tịch phụ trách arketing của Boeing Randy Tinseth đều cho biết, họ đã lên kế hoạch để nắm bắt cơ hội tại thị trường châu Á với tiềm năng khổng lồ.

Trung Quốc dẫn đầu

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường đi lại bằng đường không lớn nhất thế giới vào đầu năm 2022, nhanh hơn 2 năm so với những dự báo được đưa ra trước đó. Trung Quốc sẽ có thêm 921 triệu khách hàng cho tới năm 2036, tiếp theo đó là 337 triệu khách tại Ấn Độ, 235 triệu người tại Indonesia, theo IATA.

Điều thu hút bậc nhất với các nhà sản xuất máy bay tại thị trường châu Á là việc hiện tại, chỉ 10% dân số châu Á từng di chuyển bằng máy bay. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng người sử dụng máy bay để đi lại sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, châu Á là khu vực đang sở hữu các nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và việc tầng lớp trung lưu phát triển mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với hàng không, Corrine Png, CEO Crucial
Perspective, công ty nghiên cứu thị trường giao thông vận tại có trụ sở tại Singapore cho biết.

Khách hàng VIP

Hiện tại, các hãng hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các đơn hàng của Airbus và Boeing. Theo ước tính của Boeing, khu vực này sẽ chiếm 39% tổng nhu cầu máy bay toàn cầu cho tới năm 2036.

Bên cạnh đó, do đa phần các sân bay lớn tại châu Á đã hoạt động hết công suất, nên các hoạt động đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhằm bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của nhu cầu, theo Shukor  Yusof, nhà sáng lập Hãng nghiên cứu hàng không Endau Analytics tại Malaysia.

Theo dự báo của các tổ chức hàng không, dự kiến hơn 1.000 tỷ USD sẽ được dành để đầu tư cho việc mở rộng sân bay cho tới năm 2069 trên toàn cầu, trong đó hơn một nửa nằm tại khu vực châu Á. Tại Bắc Kinh, sân bay mới với giá trị đầu tư 12,9 tỷ USD được dự kiến mở cửa vào năm 2019 sẽ biến thủ đô của Trung Quốc trở thành trung tâm hàng không lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Sân bay Suvarnabhumi tại Bangkok được đầu tư 117 tỷ bath (3,7 tỷ USD) dự kiến sẽ được mở cửa vào năm 2021 và Sân bay Quốc tế Incheon tại Hàn Quốc cũng được đầu tư thêm 5.000 tỷ won (4,6 tỷ USD) để mở rộng thêm nhà ga đón khách thứ hai.

Các yếu tố trên sẽ giúp lĩnh vực hàng không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của khu vực châu Á, đồng thời mở ra cơ hội làm ăn đối với các nhà sản xuất máy bay, doanh nghiệp xây dựng hoặc hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ ngành hàng không.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục