Bộ trưởng Tài chính Síp: Từ chức vì sai lầm

Những sai lầm khi còn đứng đầu ngân hàng Laiki và trong những đàm phán thỏa thuận cứu trợ đất nước với các chủ nợ quốc tế được cho là lý do khiến ông Michalis Sarris, Bộ trưởng Tài chính Síp (ảnh), phải từ chức ngày 2/4.
Bộ trưởng Tài chính Síp: Từ chức vì sai lầm

Bộ trưởng Tài chính Síp: Từ chức vì sai lầm ảnh 1

Tổng thống CH Síp Nicos Anastasiades đã chấp thuận quyết định từ chức của ông Sarris và chính phủ nhanh chóng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ tài chính Harris Georgiades lên thay thế. Sự chông chênh của gói giải cứu Síp trị giá 10 tỷ EUR (13 tỷ USD) đã khơi mào cho những trò đổ lỗi chính trị trong bộ máy quyền lực.

Ông Sarris bị chỉ trích mạnh mẽ xung quanh cách giải quyết cuộc khủng hoảng và bị áp lực từ một số phe phái trong Quốc hội Síp buộc ông từ chức.

Ông Sarris cũng là một trong những người phải đối mặt với cuộc điều tra của nhà chức trách Síp về vai trò trong cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng Síp.

Trước khi ngồi vào ghế Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới lên nắm quyền vào tháng 2, ông Sarris từng đứng đầu Laiki Bank, mà ngân hàng này thực tế đã sụp đổ và đang được sáp nhập vào Bank of Cyprus trong một thỏa thuận “dậy sóng” vì theo đó người gửi tiền sẽ bị thiệt hại lên đến 60% số tiền tiết kiệm vượt quá 100.000EUR.

Dưới thời Sarris, Laiki đã chịu tổn thất nặng nề, chủ yếu do cả núi các khoản cho vay đối với các cá nhân và doanh nghiệp Síp, Hy Lạp mà giờ đây đã trở thành nợ độc hại. Các ngân hàng Síp cũng bị giáng một đòn ê ẩm khi nắm giữ quá nhiều trái phiếu chính phủ Hy Lạp, loại tài sản phát sinh thiệt hại nặng sau cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Cùng ngày 2/4, Síp đã nới lỏng một số hạn chế đối với việc rút tiền từ ngân hàng. Việc hạn chế rút tiền đã đặc biệt gây tổn thương các doanh nghiệp vì họ không thể thực hiện các khoản thanh toán lớn trong suốt 2 tuần. Bộ Tài chính đã nâng trần giao dịch giữa các tài khoản với các ngân hàng từ 5.000EUR lên 25.000EUR.

Các hạn chế khác vẫn được duy trì, kể cả hạn mức rút tiền 300EUR/ngày. Tổng thống Anastasiades đồng thời chỉ định một ban 3 người chịu trách nhiệm xem xét làm thế nào và tại sao việc mấp mé một thảm họa tài chính có thể khiến Síp trở thành quốc gia đầu tiên văng khỏi khu vực đồng EUR.

Trong một bài phát biểu, Tổng thống Anastasiades cho rằng cuộc khủng hoảng phát sinh từ những động thái vô lý và thiếu sót của những người phụ trách lèo lái ngành ngân hàng và nền kinh tế Síp. Ông Sarris đã ở tuyến đầu trong các cuộc đàm phán cứu trợ tài chính dẫn đến một thỏa thuận “chết yểu” hơn 3 tuần trước ở Brussels.

Quyết định gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận đầu tiên này là áp đặt thuế 6,75% đối với các khoản tiền gửi ngân hàng dưới 100.000EUR. Ngay khi công bố, kế hoạch của ông Sarris đã gây ra phản ứng giận dữ trong dân chúng Síp cũng như hứng vô số lời chỉ trích của các nhà kinh tế quốc tế, xem nó như mối đe dọa sự toàn vẹn của hệ thống bảo hiểm tiền gửi trong 17 quốc gia khu vực đồng EUR.

Kế hoạch đã bị Quốc hội Síp kịch liệt bác bỏ. Sau đó, ông Sarris đã bay tới Moscow để tìm kiếm các nguồn tài trợ thay thế dành cho Síp và hệ thống ngân hàng bấp bênh của nước này, nhưng một lần nữa lại thất bại. Ông Sarris đã không thuyết phục được người Nga giúp đỡ và những cuộc đàm phán chẳng đi đến đâu.

Mujtaba Rahman, nhà phân tích cao cấp của Tập đoàn Eurasia, nhận xét: “Sau thất bại ê chề của kế hoạch đánh thuế người gửi tiền và trở về tay không từ Moscow , uy tín của ông Sarris đã tụt xuống gần zero ở cả trong và ngoài nước”.

Những quyết định sai lầm của ông Sarris đã khiến cả nước Síp bất an, thậm chí dẫn tới sự chao đảo các thị trường toàn cầu. Ông Sarris đã phải trả giá cho những sai lầm bằng chiếc ghế Bộ trưởng và có thể là cả sự nghiệp chính trị của mình.


Sài Gòn Đầu tư

Tin cùng chuyên mục