Bỏ qua căng thẳng Mỹ - Trung, giới đầu tư kỳ vọng vào hồi phục kinh tế

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp trong phiên thứ Tư (27/5) khi giới đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế mới sẽ giúp nền kinh tế hồi phục nhanh.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Giới đầu tư phố Wall đã có những phút giật mình trong cuối phiên thứ Ba khi ông Trump dọa sẽ áp lệnh trừng phạt với các quan chức, doanh nghiệp, tổ chức tài chính của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đệ trình lên Quốc hội dự luật an ninh Hồng Kông.

Nỗi lo này tiếp tục được thể hiện trong những phút đầu của phiên thứ Tư, nhưng sau đó giới đầu tư đã hứng khởi trở lại khi JPMorgan công bố dự kiến thu nhập tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, giới đầu tư kỳ vọng vào việc các nền kinh tế mở cửa trở lại sẽ giúp nền kinh tế hồi phục hồi nhanh.

Kết thúc phiên 27/5, chỉ số Dow Jones tăng 553,16 điểm (+2,21%), lên 25.548,27 điểm. Chỉ asố S&P 500 tăng 44,36 điểm (+1,48%), lên 3.036,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 72,14 điểm (+0,77%), lên 9.412,36 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế mới. Theo đó, Ủy ban châu Âu cho biết, dự định sẽ bay 750 tỷ euro trên thị trường tài chính để hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch Covid. Trong đó, 500 tỷ euro tiền trợ cấp và 250 tỷ euro cho các quốc gia thành viên vay.

Kết thúc phiên 27/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 76,49 điểm (+1,26%), lên 6.144,25 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 153,04 điểm (+1,33%), lên 11.657,69 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 82,50 điểm (+1,79%), lên 4.688,74 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục duy trì đà tăng, dù không còn mạnh như phiên trước. Trong khi đó, lo ngại về cuộc chiến thương mại mới với Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế khiến chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh, chứng khoán Hồng Kông cũng giảm khi các cuộc biểu tình mới bùng phát để phản đối dự luật Quốc ca Trung Quốc.

Kết thúc phiên 27/5, chỉ  số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 148,06 điểm (+0,70%), lên 21.419,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,74 điểm (-0,34%), xuống 2.836,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 83,30 điểm (-0,36%), xuống 23.301,36 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 1,42 điểm (+0,07%), lên 2.031,20 điểm.

Sự khởi sắc của chứng khoán níu chân giá vàng, khiến giá kim loại quý này lình xình trong biên độ hẹp và đóng cửa trái chiều trong phiên thứ Tư sau khi giảm mạnh trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 27/5, giá vàng giao giảm 0,5 USD (-0,03%), xuống 1.709,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 5,1 USD (+0,30%), lên 1.710,7 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô đảo chiều giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư, trả lại hết những gì đã có trong phiên thứ Ba do căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi giới đầu tư không chắc chắn về việc cắt giảm sản lượng của Nga.

Kết thúc phiên 27/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,54 USD (-4,69%), xuống 32,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,43 USD (-4,12%), xuống 34,74 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục