BlackBerry tính “cắt cầu” điện thoại di động

(ĐTCK) Sau những thất bại liên tiếp với nỗ lực đưa BlackBerry trở về thời kỳ hoàng kim, CEO mới John Chen tuyên bố sẽ nghiêm túc xem xét việc rút khỏi ngành sản xuất - kinh doanh điện thoại di động trong thời gian tới, nếu lĩnh vực này vẫn tiếp tục làm lỗ hàng trăm triệu đô la của Tập đoàn.
BlackBerry tính “cắt cầu” điện thoại di động

Mặc dù chỉ mới nhậm chức chưa đầy một năm, song John Chen đã phải chịu vô số áp lực từ khoản thua lỗ hơn 1 tỷ USD do cựu CEO để lại. Những lỗ hổng tài chính do lĩnh vực điện thoại di động gây ra đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi báo cáo kết quả kinh doanh tháng 3/2014 tiếp tục ghi nhận số lỗ 423 triệu USD của Tập đoàn.

Do đó, để tránh nguy cơ phải đối mặt với những con số thất thoát lớn hơn trong tương lai, John Chen quyết định dành 2 năm để nghiêm túc xem xét lại ngành nghề sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn và bù đắp doanh thu thiết bị cầm tay giảm bằng doanh số bán hàng của phần mềm kết nối máy tính với tất cả các máy móc.

Đây không phải lần đầu John Chen tiến hành chấn chỉnh bộ máy hoạt động Công ty. Ngay khi vừa ngồi vào vị trí CEO, Chen đã tự mình chèo lái con tàu BlackBerry theo một hướng đi khác, bằng việc định hướng BlackBerry tập trung vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp ở danh mục thiết bị máy tính và mạng không dây, vốn là lĩnh vực được ưa chuộng nhất của BlackBerry thời kỳ đầu, đồng thời thực hiện cắt giảm nhân sự và bán phần lớn khối tài sản bất động sản ở Canada của Công ty. Kinh doanh thua lỗ cũng khiến vị CEO mới quyết định ngừng sản xuất tất cả các thiết bị cầm tay và chấm dứt hợp tác với đơn vị T-Mobile. “Tất cả những việc phải làm ngay lúc này là thay thế doanh thu từ mảng thiết bị cầm tay bằng hoạt động khác và Tập đoàn sẽ hoàn toàn thay đổi”, Chen trả lời phỏng vấn Tạp chí Bloomberg tại New York cuối tuần trước.

Tuy nhiên, John Chen thừa hiểu rằng, việc thay đổi chiến lược hoạt động của một tập đoàn lớn là điều không hề dễ dàng, nhất là khi lại loại bỏ đi tên tuổi dòng điện thoại di động vốn là “con gà đẻ trứng vàng” và làm nên tên tuổi của Tập đoàn BlackBerry ngày hôm nay. Vì thế, để đạt con số lợi nhuận cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2015, Chen một lần nữa phải chạy đua với thời gian trong việc tạo ra nguồn doanh thu mới từ phần mềm QNX và ứng dụng nhắn tin BBM - vốn rất được ưa thích trong thời gian qua và cũng là nhân tố giúp giá cổ phiếu BlackBerry tăng 23%. 

Sản phẩm QNX đã được sử dụng rộng rãi trong xe ô tô và ngành công nghiệp như mỏ than và bệnh viện, kế hoạch của Chen là xây dựng hệ thống thịnh hành hơn, tích hợp với tất cả loại máy móc ở bất kỳ đâu để giao tiếp với các loại máy móc khác.

“Sự tương tác giữa các thiết bị là con đường ngành công nghiệp sắp sửa đi. Đó là lý do vì sao chúng tôi thay đổi”, ông Chen nói và tin tưởng, với biên lợi nhuận từ 70 - 90% từ các sản phẩm phần mềm, sẽ đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận của cả Công ty, giúp Tập đoàn có lãi.

Dưới chiến lược mới của Chen, BlackBerry chủ yếu tập trung cung cấp các thiết bị phần mềm, phần cứng cho khách hàng ở những ngành công nghiệp như tài chính, chăm sóc sức khỏe, luật…, những nơi cần đến sự bảo mật, quản lý rủi ro và năng suất sản xuất cao.

“Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một đội ngũ kỹ sư trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm. Có thể chúng tôi sẽ hợp tác với một vài đối tác và tiến hành một số hoạt động M&A ở khu vực mới mẻ này”, Chen nói.

Quả thật, tại thời điểm mọi niềm tin đặt vào nhà sản xuất BlackBerry gần như sắp cạn kiệt, John Chen xuất hiện như chiếc phao cứu sinh với kỳ vọng sẽ làm nên kỳ tích. Không phải ngẫu nhiên Tập đoàn lựa chọn ông, bởi từ lâu người đàn ông này nổi tiếng với năng lực thiên tài “vực dậy các công ty đang hấp hối”.

Đối với Chen, tiếp quản BlackBerry là cả thách thức lớn khi tập đòaoàn này gần như mất hết thị phần điện thoại thông minh vào tay 2 ông “trùm” Apple và Samsung. Chấm dứt mọi lời phê bình, củng cố lòng trung thành với đối tác, gây dựng lại tên tuổi BlackBerry là một trong những mục tiêu đặt ra của Chen.

Đế chế phần mềm Android đã càn quét và cướp hết mọi thành tựu của BlackBerry trong vòng 6 năm qua. Không rõ tên tuổi dòng điện thoại huyền thoại BlackBerry còn sống hay sẽ chết, nhưng chắc chắn rằng, BlackBerry sẽ không cho phép bó hẹp mình trong một phạm vi kinh doanh nhất định, mà sẽ phủ sóng nhiều hơn nữa để bằng mọi cách vực dậy tiếng tăm lừng lẫy một thời của Tập đoàn.

Hồng Tuyết (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục