Bên trong cuộc phỏng vấn ứng viên nội các của Trump

Trong các cuộc thảo luận với những ứng viên tiềm năng cho nội các tương lai, ông Trump cho thấy phong cách phỏng vấn thẳng thắn, ngắn gọn, đi vào trọng tâm, mang đậm dấu ấn một doanh nhân.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters
Khi cựu thống đốc bang Georgia Sonny Perdue bước ra khỏi thang máy trên tầng 26 Tháp Trump hồi tuần trước để tham dự buổi phỏng vấn với tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, ông mong đợi một màn tiếp đón hoành tráng theo phong cách chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice" (Nhân viên tập sự) do nhà tài phiệt New York làm người dẫn dắt trước đây, theo New York Times.

Nhưng thứ ông nhận được hoàn hoàn trái ngược, chỉ đơn giản là một khung cảnh bình thường với ông Trump, bình tĩnh và nghiêm túc, ngồi sau chiếc bàn lớn bừa bộn giấy tờ, tạp chí, bên một góc văn phòng hỗn độn đồ lưu niệm, phong cách bài trí không thay đổi nhiều kể từ những năm 1980.

Nick Ayers, cố vấn cho phó tổng thống Mỹ đắc cử Mike Pence, và Stephen K. Bannon, chiến lược gia trưởng Nhà Trắng do ông Trump chọn lựa, ngồi bên cạnh chăm chú lắng nghe. Nhà tài phiệt New York mời ông Perdue ngồi ở phía đối diện rồi bắt đầu chủ trì cuộc gặp mặt.

"Ông ấy tiếp cận vấn đề với quan điểm coi mọi thứ đều là một thỏa thuận và muốn biết liệu ông ấy có đi đúng hướng không", ông Perdue, người đang được tổng thống đắc cử Mỹ cân nhắc làm bộ trưởng nông nghiệp, cho hay. "Ông ấy tin rằng nước Mỹ chúng ta, về mặt nào đó, đã bị lấn lướt trong những thỏa thuận với các đối thủ hay trong các thỏa thuận thương mại. Tôi đồng tình và ông Trump muốn biết tôi sẽ làm gì".

Suốt hơn một thập kỷ, hàng triệu người Mỹ đã theo dõi ông Trump chất vấn các nhân viên tiềm năng trên chương trình truyền hình thực tế "The Aprrentice" với phong cách kiêu ngạo xen lẫn chút trịch thượng. Nhưng tại các cuộc gặp kín những tuần vừa qua, ông lại cho thấy chân dung một tỷ phú, nhà lãnh đạo nước Mỹ tương lai, khiêm nhường và ít phô trương hơn, cây bút Julie Hirschfeld Davis từ NYTimes bình luận.

Phong cách thẳng thắn

ben-trong-cuoc-phong-van-ung-vien-noi-cac-cua-trump-1

Nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Pennsylvania Lou Barletta (giữa). Ảnh: NYTimes

Phong cách phỏng vấn của nhà tài phiệt New York ở thế giới thực thẳng thắn nhưng gây tranh cãi, theo những người từng được ông phỏng vấn. Tổng thống đắc cử Mỹ không ghi chú hay bị ràng buộc bởi bất kỳ danh sách câu hỏi nào nhưng ông có hồ sơ chi tiết về ứng viên. Ông luôn khoác áo vest và hiếm khi ăn uống trong quá trình nói chuyện với các ứng viên. Ở New York, ông trùm bất động sản Mỹ luôn muốn khoe với khách mời khung cảnh tuyệt đẹp của Công viên Trung tâm nhìn từ văn phòng ông.

Theo nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Pennsylvania Lou Barletta, ứng viên cho vị trí bộ trưởng lao động trong chính quyền Donald Trump, tổng thống đắc cử Mỹ thường đưa ra những câu hỏi mở và không ưa các câu trả lời tối nghĩa.

"Nếu bạn dài dòng, ông ấy sẽ cắt ngắn", cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich cho biết. Trump "muốn biết bạn có thể làm gì cho ông ấy".

Gingrich nhận định cách thức Trump kiện toàn bộ máy nội các sở hữu nhiều nét tương đồng với cách ông điều hành đế chế kinh doanh tỷ USD của mình. "Ông ấy thường xác định công việc, cân nhắc năng lực ứng viên rồi đưa ra quyết định".

Những người thân cận với tỷ phú Mỹ tiết lộ ông Trump đánh giá cao các ứng viên có cá tính riêng, nhạy cảm chính trị và tinh thần khởi nghiệp. Nhưng nhà tài phiệt New York cũng thường xuyên dựa vào ý kiến từ những cố vấn ông tin tưởng, đặc biệt là phó tướng Pence và con gái lớn Ivanka Trump, khi đánh giá một ứng viên.

Sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, chính Ivanka là người đã liên lạc với Robert L. Johnson, nhà sáng lập mạng lưới truyền hình BET, khi cô xem được một thông báo mà ông Johnson đưa ra, kêu gọi cộng đồng cử tri da màu đi bỏ phiếu.

Johnson lập tức được mời tới Câu lạc bộ Golf Quốc gia Trump ở Bedminster để gặp tổng thống đắc cử Mỹ. Nhà tài phiệt New York hỏi Johnson liệu ông có nhắm tới vị trí nào trong bộ máy chính quyền không nhưng Johnson nhanh chóng làm rõ rằng ông không mang ý định này.

"Khi cả hai cùng ngồi trong phòng, tôi đã nói với tổng thống đắc cử Trump rằng 'ông không nên hỏi các cử tri Mỹ gốc Phi cái mà họ phải đánh đổi như từng làm suốt chiến dịch tranh cử; điều ông nên nói bây giờ là thứ họ sẽ có được từ chính quyền Trump", Johnson tiết lộ và thêm rằng dường như nhà tài phiệt New York đã chấp nhận lời khuyên từ ông.

Trump đáp: "Vậy tôi nên tập trung vào khía cạnh truyền cảm hứng".

Ông cũng tìm kiếm lời khuyên từ những ứng viên nội các khác. Tại cuộc phỏng vấn với James N. Mattis, người hồi tuần trước được chọn làm bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Trump đã hỏi vị tướng về hưu này liệu biện pháp tra tấn có giúp ích trong việc moi thông tin từ các nghi phạm khủng bố không. Tướng Mattis trả lời rằng chúng không thực sự hữu ích.

ben-trong-cuoc-phong-van-ung-vien-noi-cac-cua-trump-2

Cựu thống đốc bang Georgia Sonny Perdue. Ảnh: NYTimes

Trump bên cạnh đó còn muốn biết các ứng viên cho những vị trí quan trọng trong nội các đã làm gì để đưa ông tới Nhà Trắng.

Trump đặt câu hỏi trên với cựu thống đốc Georgia Perdue và nhận được câu trả lời rằng ông Perdue cùng người em họ, thượng nghị sĩ David Perdue, đã nhiều lần trấn an những quan chức bầu cử địa phương về triển vọng của ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa, đồng thời khuyến khích họ tập trung năng lượng để lo toan các công việc khác.

Scott Brown, cựu thượng nghị sĩ Massachusetts, gặp ông Trump hồi tháng trước để thảo luận về vị trí bộ trưởng cựu chiến binh. Brown cho biết nhà tài phiệt New York đã hỏi ông bằng cách nào để đảm bảo "đãi ngộ xứng đáng" cho những cựu binh từng làm việc cho các nhà thầu tư nhân hay cơ quan trung gian.

"Trump thể hiện rõ ràng rằng ông ấy là một doanh nhân và sẽ giao phó công việc cho các ứng viên tiềm năng như tôi cùng những người khác", Brown bình luận. "Ông ấy kiểu như muốn nói: "Hãy làm việc và làm thật tốt, nếu không bạn bị sa thải".


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục