Barclays “bỏ rơi” Quỹ đầu tư BlackRock

(ĐTCK) Ngân hàng lớn thứ hai nước Anh Barclays vừa tuyên bố sẽ bán 6,1 tỷ USD giá trị cổ phần tại Công ty Quản lý quỹ đầu tư BlackRock, khi mà số cổ phần này hầu như không đem lại lợi nhuận cho Ngân hàng trong suốt nhiều năm.
Barclays “bỏ rơi” Quỹ đầu tư BlackRock

Kế hoạch thoái vốn được Barclays tuyên bố hôm thứ Hai tuần này. Trong số 6,1 tỷ USD cổ phần bán ra, BlackRock sẽ mua lại 1 tỷ USD cổ phần làm cổ phiếu quỹ. Hiện Barclays đang sở hữu 19,6% cổ phần của BlackRock.

Lý do thoái vốn “khủng” khỏi BlackRock - bất chấp việc BlackRock đang là công ty quản lý quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với việc quản lý khoảng 3.700 tỷ USD giá trị tài sản tính đến thời điểm cuối tháng 3/2012 - được Barclays giải thích rằng, để đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn của Basel III, khi mà quy tắc này sắp được áp dụng trong ngành ngân hàng trong một vài năm tới.

Barclays cho rằng, quy định này sẽ khiến việc nắm giữ cổ phần tại một hãng đầu tư như BlackRock trở nên “đắt” hơn, vì Ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho số cổ phần này, đề phòng trường hợp giảm giá. Bên cạnh đó, Barclays cũng đang phải tích cực tập trung cho hoạt động kinh doanh chính.

Theo kết quả hoạt động thường niên vừa được công bố, tỷ lệ ROE năm 2011 của Barclays đã giảm xuống 6,6%, từ mức 6,8% trong năm 2010. Trong khi đó, Ngân hàng đặt ra mục tiêu đạt ROE 13% vào năm 2013.

CEO của Barclays, ông Robert Diamond tuyên bố, chỉ số ROE như vậy là “không thể chấp nhận được” và cảnh báo, mức mục tiêu 13% vào năm 2013 rất có thể sẽ không đạt được. Áp lực để đạt mục tiêu này càng nặng nề khi các cổ đông của Ngân hàng chỉ trích rằng, các lãnh đạo của Barclays đã được trả lương quá nhiều so với kết quả kinh doanh của Ngân hàng.

Tuy nhiên, giới quan sát lại đồn đoán còn những lý do khác nữa sau động thái thoái vốn này. Thực tế, những điều luật Basel III đã được công khai từ lâu và Barclays không nhất thiết phải đợi đến tận bây giờ để bán ra khoản đầu tư lớn đến thế.

Barclays sở hữu cổ phần của BlackRock khi ngân hàng này bán bộ phận Barclays Global Investors cho công ty đầu tư trên với giá khoảng 13,5 tỷ USD hồi năm 2009. Đó là thương vụ lớn nhất đối với BlackRock cho tới nay.

Tuy nhiên, cổ phiếu của BlackRock sút giảm nặng nề trong khoảng thời gian sau đó. Tháng 9 năm ngoái, Barclays đã phải điều chỉnh giảm giá trị của khoản đầu tư BlackRock trong sổ sách.

Cũng có kiến cho rằng, có thể Barclays cần tiền để tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh, đặc biệt là ở châu Phi, nơi mà hoạt động của Ngân hàng đang đạt tốc độ tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, có thể Ngân hàng sẽ đầu tư thêm vào các mảng dịch vụ quản lý tài sản và ngân hàng đầu tư.

Nhưng nhiều phân tích khác đã chỉ ra rằng, ngân hàng này không thiếu tiền mặt để cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh từ trước khi thực hiện thương vụ trên. “Barclays không thiếu vốn và nếu cần, họ đã có thể đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh từ trước đó”, chuyên gia Ian Gordon của Hãng Investec nhận xét.

Trên thực tế, BlackRock cũng đang phải gánh chịu những rủi ro lớn với các khoản đầu tư ở châu Âu khi mà cuộc khủng hoảng tại khu vực này đang ngày càng trở nên khó giải quyết và có thể các lãnh đạo của Barclays thấy khó có triển vọng cổ phiếu của BlackRock sẽ tăng giá trở lại. Trong trường hợp này, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Barclays dường như là một kẻ đang tìm cách trút bỏ gánh nặng nhiều hơn là một người bán bị lâm vào hoàn cảnh bất đắc dĩ.

BlackRock được thành lập vào năm 1988, với vai trò ban đầu là một hãng tư vấn phát hành trái phiếu. Trải qua nhiều thương vụ mua bán sáp nhập, hãng này đã phát triển thành một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Sau thương vụ mua Barclays Global Investors, BlackRock tiếp nhận CEO của Barclays, Robert E. Diamond Jr., và người tiền nhiệm của ông, John Varley, trở thành thành viên HĐQT của Công ty. Tuy nhiên, sau vụ thoái vốn, có thể Diamond sẽ không còn tại vị.

Dù bất kể vì lý do gì, hầu hết chuyên gia phân tích đều đánh giá tích cực về tác động của thương vụ với Barclays. “Số cổ phần tại BlackRock không mấy phù hợp với chuỗi kinh doanh của Barclays và đem lại rất ít hiệu quả xét về khía cạnh sinh lời”, các chuyên gia Citi viết trong một bản báo cáo. “Chúng tôi không thấy có sự hợp lý trong việc duy trì số cổ phần và do đó chúng tôi cho rằng, thương vụ là một quyết định đúng đắn”.

Cổ phiếu Barclays tăng 1,4% trên sàn London trong phiên giao dịch hôm thứ Hai ngay sau thông tin này.


Quang Minh (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục