Báo động đỏ với Societe Generale

(ĐTCK-online) Ngày 15/9 vừa qua, nước Mỹ và cả thế giới đã chứng kiến tròn 3 năm Lehman Brothers, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Mỹ và thế giới bị phá sản. Sự kiện này đã gây chấn động toàn thế giới và châm ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà di chứng ít nhiều vẫn còn tồn tại cho đến nay. Cũng trong tuần qua, 2 ngân hàng thương mại hàng đầu của Pháp là Crédit Agricole (lớn thứ 2) và Société Générale (lớn thứ 3) đã bị Công ty đánh giá tín dụng quốc tế Moody’s hạ mức xếp hạng tín dụng.
Frédéric Oudéa Frédéric Oudéa

Theo đó, Moody’s hạ Société Générale từ hạng Aa2 xuống Aa3, trong khi cũng hạ Credit Agricole từ Aa1 xuống Aa2.

Trong 2 ngân hàng, Société Générale rơi vào tình cảnh nguy hiểm hơn, khi kể từ đầu tháng 7 đến nay, giá cổ phiếu của Société Générale tại Sở GDCK Paris (Pháp) giảm tới gần 60%, mức giảm tồi tệ nhất trong số các ngân hàng thương mại lớn của Pháp. Tất nhiên, giá trị vốn hoá thị trường của Ngân hàng này cũng giảm tương ứng.

Không chỉ có vậy, khủng hoảng nợ của Hy Lạp càng ngày càng nguy cấp cũng làm cho Société Générale thêm điêu đứng.

Theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ), tuy chỉ nắm trái phiếu Chính phủ Hy Lạp có tổng trị giá khoảng 2 tỷ euro, ít hơn so với con số 4 tỷ euro của BNP Paribas, ngân hàng thương mại lớn nhất Pháp, song Société Générale đã đầu tư lớn vào mua cổ phần của các ngân hàng Hy Lạp trước đây, vì thế nếu Hy Lạp vỡ nợ, hệ thống ngân hàng nước này sụp đổ thì Société Générale sẽ bị mất trắng rất nhiều tiền. Chính vì thế, các chuyên gia ngân hàng – tài chính quốc tế cảnh báo, Société Générale đang đứng trước báo động đỏ.

Còn nhớ, vào tháng 1/2008, một nhân viên giao dịch của Société Générale có tên là Jérome Kerviel đã lợi dụng những sơ hở và lổ hổng trong quản lý, lừa đảo làm Ngân hàng mất toi 4,9 tỷ USD (6,7 tỷ USD), mức tiền lớn nhất mà một cá nhân lừa đảo một ngân hàng từ trước đến nay. Jérome Kerviel hiện đang bóc lịch trong nhà đá, còn Société Générale mất đứt khoản tiền này. Đây là bài học nhớ đời với Société Générale.

Hiện tại, người bị “giơ đầu chịu báng” nhiều nhất ở Société Générale, không ai khác chính là ông Frédéric Oudéa, 48 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO). Mới đây, ông Frédéric Oudéa đã đưa ra kế hoạch cải tổ Société Générale từ nay đến năm 2013. Theo đó, Société Générale sẽ thúc đẩy việc thanh lý tài sản, cắt giảm chi phí, trong đó gồm cả tinh giản bộ máy nhân viên, đóng cửa các chi nhánh, phòng giao dịch không sinh lời… để tiết kiệm được ít nhất 4 tỷ euro (5,6 tỷ USD).

Do ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Các ngân hàng Pháp, nên càng bị công kích mạnh. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các ngân hàng thương mại Pháp đứng đầu trong danh sách chủ nợ của Hy Lạp, với tổng số tiền cho vay (cả khu vực công lẫn tư nhân) ước tới 56,7 tỷ USD. 

Ông Frédéric Oudéa thực ra không phải là dân được đào tạo cơ bản ngành ngân hàng. Ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa (Ecole Polytechnique) rất danh giá, sau đó còn có cả bằng của Trường Hành chính quốc gia (École National d’Administration – ENA), vốn là một điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ ai có tham vọng muốn làm công tác quản lý cơ quan nhà nước ở Pháp. Frédéric Oudéa cũng từng có một thời gian (đầu những năm 1990) trực tiếp giúp việc cho ông Nicolas Sarkozy, Tổng thống Pháp hiện nay (khi đó  là Bộ trưởng Bộ Ngân sách và Truyền thông Pháp). Năm 1995, ông rời khu vực hành chính nhà nước để gia nhập hàng ngũ của Société Générale. Tháng 5/2008, ông chính thức được bổ nhiệm vào chức CEO Société Générale . 

Cuối tuần qua, một số thông tin tốt lành đã đến đúng lúc, không chỉ với Société Générale, mà cả hệ thống ngân hàng thương mại của các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khiến mọi người trong cuộc phần nào cảm thấy nhẹ nhõm hơn. 

Chẳng là, để ngăn chặn khủng hoảng nợ công của Hy Lạp lan rộng ra toàn châu Âu ngày 15/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) đã đạt được thoả thuận cho hệ thống ngân hàng thương mại thuộc Eurozone vay nhiều tỷ USD kỳ hạn 3 tháng (bắt đầu từ ngày 1/10 tới).

Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định: “Các ngân hàng trung ương đã cùng hành động và hành động đúng. Đó là thông điệp rất quan trọng vào lúc này”.

Nhờ đó, tại phiên giao dịch ngày 16/9, giá cổ phiếu của Société Générale đã tăng hơn 5%.

Theo nhận định chung, Société Générale mới bị đưa vào diện bị soi xét kỹ, chứ khó mà phải chịu số phận hẩm hiu như Lehman Brothers. 

Chính phủ Pháp dù chưa đưa ra bất kỳ bảo đảm cụ thể cho các ngân hàng thương mại của mình, song cũng qua một số kênh thông tin đã phát đi tín hiệu là “không để tình trạng khốn đốn xảy ra”.

Ông Christian Noyer, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp tuyên bố: “Dù cho tình hình nợ công của Hy Lạp có xấu đến mức nào, thì các ngân hàng thương mại Pháp vẫn còn phương  tiện, cách thức để đối phó”.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục