Bank of America mua lại Merrill Lynch: Ai được, ai mất?

(ĐTCK-online) Trong mấy ngày gần đây, chỉ số chứng khoán của nhiều thị trường chứng khoán ở khu vực châu Á, châu Âu bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của cơn "địa chấn" khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Mọi quan tâm đều tập trung xem số phận của 2 ngân hàng đầu tư Merril Lynch, Lehman Brothers và Tập đoàn bảo hiểm AIG sẽ ra sao.
Sự cay đắng, ê chề của một “đế chế” tài chính. Sự cay đắng, ê chề của một “đế chế” tài chính.

Đến thời điểm này có thể nói, về cơ bản, số phận của cả ba đã được định đoạt theo ba hướng khác nhau. Hẩm hiu nhất có lẽ là Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 ở Mỹ đã buộc phải đệ đơn xin phá sản, AIG tồn tại được nhờ vào "phao cứu sinh" của Chính phủ Mỹ thông qua việc mua lại 79,9% cổ phần với trị giá 85 tỷ USD. Số phận của Merrill Lynch, ngân hàng đầu tư lớn thứ 3 ở Mỹ dường như có vẻ sáng sủa hơn cả khi được Bank of America (BOA) mua lại với giá 50 tỷ USD. Tuy nhiên, vụ mua bán này có nhiều tình tiết khá bất ngờ.

Đã có bài báo nước ngoài mô tả một cách khá hài hước nhưng lại khá sát với thực tế chuyện "xe duyên" của BOA với Merrill Lynch, đại ý như sau: BOA là chàng trai giàu có, Merrill Lynch, Lehman Brothers là hai cô gái về sắc thì một chín, một mười không kém nhau bao nhiêu, nhưng đều ở độ... lỡ thì. BOA lại chơi trò "bắt cá hai tay", một mặt thì công khai "tìm hiểu" Lehman Brothers và xem ra kết nhau lắm, nhưng mặt khác vẫn bí mật "cưa" Merrill Lynch. Đến thời điểm quyết định, phải chọn một trong hai, thì BOA bất ngờ "đá" Lehman Brothers với lý do cứ đỏng đảnh, làm cao kiểu "tưởng mình chúa lắm". Thế rồi cuối cùng, BOA quay sang làm lễ đính hôn chóng vánh với Merrill Lynch trước sự ngỡ ngàng của khá nhiều người, bởi họ chưa hề thấy BOA có tình ý hay đi lại với Merrill Lynch bao giờ cả. Giờ thì ván đã đóng thuyền.

CEO Merrill Lynch, John Thain
CEO Merrill Lynch, John Thain

Câu chuyện mang tính bông đùa trên ít nhiều đã nói đúng về diễn biến của vụ mua bán trên. Khi biết Lehman Brothers lâm nạn, BOA (ngân hàng thương mại bán lẻ lớn nhất Mỹ) đã có ý định mua lại Lehman Brothers để chính thức nhảy vào lĩnh vực ngân hàng đầu tư và ngay lập tức có vai vế ngay. Khi BOA buông Lehman Brothers, thì Barclays cũng lảng luôn. Sau khi cuộc đàm phán với Lehman Brothers đổ vỡ chưa đầy 48 tiếng đồng hồ, BOA đã đạt được thoả thuận mua lại Merrill Lynch với cái giá 50 tỷ USD, cao hơn thị giá thực của Merrill Lynch. Vào thời điểm mua lại, giá 1 cổ phiếu của Merrill Lynch ở Sở GDCK New York chỉ là 17,05 USD, song lại được BOA hào phóng ngã giá tới 29 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng nên nhớ lại rằng, vào đầu năm 2007, giá 1 cổ phiếu của Merrill Lynch còn cao ngất ngưởng ở mức xung quanh 100 USD/cổ phiếu. Dự kiến, trong vòng 3 - 4 tháng tới, vụ mua bán này sẽ hoàn tất mọi thủ tục về mặt pháp lý.  

Như vậy, bản đồ về ngân hàng đầu tư Mỹ đã có sự thay đổi đáng kể chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây. Trong số 5 ngân hàng đầu tư lớn nhất Mỹ là Goldman Sachs, Morgan Stanley, Merrill Lynch, Lehman Brothers và Bear Stearns, nay chỉ còn có Goldman Sachs và Morgan Stanley là nguyên vẹn.

Với 311.900 nhân viên trên phạm vi toàn cầu, BOA trở thành tập đoàn tài chính - ngân hàng - chứng khoán vào loại lớn nhất Mỹ và thế giới có thể cạnh tranh ngang ngửa với Citigroup, ngân hàng lớn nhất Mỹ (xét về tổng tài sản). BOA cũng sẽ là tập đoàn môi giới chứng khoán lớn nhất Mỹ.

Trước những sự kiện diễn ra dồn dập và hầu như không thể đoán trước được, đến ông Alan Greenspan, nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng phải lắc đầu thừa nhận: "Những gì vừa diễn ra chỉ có thể xảy ra một lần trong một thế kỷ. Không thể tưởng tượng nổi".

Trong khi các nhà đầu tư, cổ đông và cả nhân viên của nhiều tập đoàn tài chính đang "khóc đứng, khóc ngồi", thì hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là John McCain  (Đảng Cộng hoà) và Barack Obama (Đảng Dân chủ) đều cố gắng khai thác tối đa cuộc khủng hoảng này vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra sau hơn 6 tuần lễ nữa.

Ông Samuel Hayes, giáo sư về tài chính của Trường đại học Harvard nhận định: "Chính phủ Mỹ đương nhiệm đang bị chỉ trích mạnh mẽ và bị quy có phần trách nhiệm không nhỏ khi để xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Ông Barack Obama đang tìm cách khai thác tối đa điểm yếu này để ghi điểm, kiếm phiếu của cử tri".

Hiện giờ rất khó đoán ai thắng, ai thua trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, song trước mắt, người thua cuộc lớn nhất trong vụ BOA mua lại Merrill Lynch là ông John Thain, 53 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) Merrill Lynch. Từng là CEO Sở GDCK New York (NYSE), Chủ tịch Goldman Sachs, John Thain được kỳ vọng là "người hùng" có thể xoay chuyển tình hình ở Merrill Lynch, song nay chỉ mới lãnh đạo Merrill Lynch chưa tròn một năm (bắt đầu từ tháng 12/2007), ông đã phải ngậm ngùi chấp nhận thất bại cay đắng. Hiện ông cũng không biết mình sẽ nắm chức vụ gì ở ngân hàng mới và không loại trừ khả năng, chủ mới sẽ không còn trọng dụng ông nữa.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục