Aston Martin bỏ qua sân nhà để IPO

(ĐTCK-online) Trong khi lãnh đạo các công ty lớn ở châu Á luôn tìm cách đưa công ty mình len chân vào các sàn niêm yết tại Mỹ và Anh để khẳng định tên tuổi, thì Giám đốc điều hành (CEO) Ulrich Bez của hãng sản xuất siêu xe hàng đầu vương quốc Anh là Aston Martin lại đang bỏ qua sân nhà London để cân nhắc tiến hành IPO tại châu Á.
Aston Martin bỏ qua sân nhà để IPO

Aston Martin, cái tên nổi tiếng với những mẫu xe sang trọng xuất hiện trên loạt phim James Bond và được Thái tử Charles thường xuyên sử dụng, có thể sẽ phát hành lần đầu ra công chúng tại thị trường Hồng Kông. Thông tin này được các lãnh đạo Aston Martin hé lộ tại một nhà máy sản xuất hôm thứ Ba, đồng thời với việc xác nhận kế hoạch thúc đẩy sản xuất tại thị trường Trung Quốc.

"Chúng tôi là công ty gốc Anh, nhưng chúng tôi là công ty toàn cầu. Và chúng tôi không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Anh", Ulrich Bez phát biểu.

Lời phát biểu của Bez và kế hoạch niêm yết tại châu Á đã phản ánh chính xác cách ông dẫn dắt Aston Martin đi lên trong thập kỷ vừa rồi. Bez kể rằng, khi ông bước chân vào Aston Martin hồi năm 2000, Công ty chỉ sản xuất khoảng 600 chiếc xe mỗi năm và 500 trong số đó được bán ở Anh. Kế hoạch của ông khi đó là đưa 80% sản phẩm của Công ty ra ngoài thị trường Anh, trong đó Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương sẽ là đối thủ xứng tầm của Mỹ và châu Âu.

Tính đến thời điểm này, Aston Martin, với giá cao ngất ngưởng trên 100.000 bảng Anh mỗi chiếc, giờ chỉ bán khoảng 30% sản phẩm của mình ở Anh. Bez cho biết, sắp tới Hãng sẽ được cấp giấy phép nhập khẩu tại Trung Quốc, trong đó Công ty kỳ vọng sẽ bán khoảng 200 - 300 mẫu xe trong năm nay và tiếp tục mở rộng trong năm sau. Bez nói thêm, các thị trường mới nổi sẽ đóng góp 25% doanh số cho Hãng.

Dưới chính sách điều hành của Bez, doanh số của Aston Martin tăng không ngừng. Công ty cũng là một trong những trường hợp ít ỏi có lãi trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối năm 2008, cho dù doanh số hàng năm giảm mạnh, từ 7.281 chiếc năm 2007 xuống trên 3.000 chiếc năm 2009. Con số này đã tăng trở lại lên 4.100 chiếc trong năm 2010, với doanh thu đạt xấp xỉ 474 triệu bảng, thu nhập trước thuế tăng từ 22 triệu bảng trong năm 2009 lên 31 triệu bảng.

"Tôi cho rằng, chúng tôi là đặc biệt và duy nhất", Bez tự hào phát biểu.

Giấy phép thâm nhập vào thị trường Trung Quốc sẽ cho phép Aston Martin xây dựng mạng lưới rộng khắp quốc gia này, tiếp theo sau thành công của các tên tuổi khác trong làng xe cao cấp như Rolls-Royce và Range Rover tại đây.

Đến năm 2013, Aston Martin sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Và nếu nhìn vào nền tảng vững chắc của Hãng thì việc đi sang châu Á tìm vốn sẽ là một sự thụt lùi của thị trường nước Anh. Các công ty sản xuất ô tô khác của Anh, trong đó có Jaguar Land Rover, cũng đã rất thành công ở thị trường Trung Quốc khi mà tầng lớp thượng lưu tại đây đang ngày càng ưa chuộng các nhãn hiệu xe cao cấp thế giới.

"Xe thể thao cao cấp sẽ là trào lưu mới", Bez khẳng định. Tuy nhiên, ông cho biết, Trung Quốc không hẳn là ưu tiên hàng đầu của Aston Martin, đó chỉ là nơi thích hợp để phát triển tại thời điểm này.

"Nếu chỉ nhìn vào Trung Quốc, chúng tôi sẽ không đạt được thành công như bây giờ ở Đức. Nhưng hiện nay, có một chút thay đổi trong mặt bằng lãi suất tại Trung Quốc và đơn giản đây là thời điểm thích hợp để chúng tôi thâm nhập thị trường này", Bez nói và cho biết thêm, Aston Martin có thể cân nhắc mở nhà máy ở Trung Quốc một khi doanh số đạt tới ngưỡng thích hợp, nhưng kế hoạch đó sẽ chưa được thực hiện ít nhất là trong vòng 5 năm tới.

Giám đốc tài chính của Aston Martin là Hanno Kirner cho biết, Hãng đang cân nhắc thị trường để tiến hành IPO, đồng thời hé lộ ý định của Hãng đối với thị trường Hồng Kông.

Bez thì nói: "Chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc IPO khi hoàn cảnh thuận lợi. Chúng tôi sẵn sàng vào thời điểm thích hợp và tại một thị trường thích hợp".


Hải Linh (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục