ASEAN+3 đạt thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 120 tỷ USD

Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) nhất trí thực hiện thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 120 tỷ USD vào cuối năm nay.

Các bên cũng ra tuyên bố khẳng định đã thống nhất tất cả những nội dung chính của Sáng kiến Chiang Mai - CMIM, ra đời năm 2000, với mục tiêu ngăn chặn khủng hoảng tài chính trong khu vực, gồm những thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với trị giá tổng cộng 83 tỷ USD. Trong đó, ASEAN+3 đã nhất trí thực hiện thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 120 tỷ USD trước cuối năm nay.

 

Như vậy, những thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương trong khuôn khổ của Sáng kiến Chiang Mai đã được "nâng cấp" thành thỏa thuận đa phương, trong bối cảnh khu vực tài chính đang khủng hoảng, mà điển hình là tình trạng trượt giá không phanh của đồng won (Hàn Quốc) so với đồng USD.

 

Trong một tuyên bố chung sau phiên họp cấp Bộ trưởng của ASEAN+3 ở Bali (Indonesia) ngày 3/5, Nhật Bản cam kết đóng góp 38,4 tỷ USD (3.800 tỷ yên) vào quỹ hoán đổi tiền tệ.

 

Trung Quốc, với mức dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, sẽ đóng góp tài chính ở mức tương đương như Nhật Bản, trong khi Hàn Quốc sẽ cung cấp cho quỹ 19,2 tỷ USD. Còn 4 nền kinh tế lớn nhất ASEAN, gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, sẽ hỗ trợ quỹ với mức 4,77 tỷ USD mỗi nước. Philippin sẽ góp 3,68 tỷ USD. Trong khi đó, 5 nền kinh tế nhỏ hơn, gồm Brunei, Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam, sẽ đóng góp vào quỹ 5% dự trữ ngoại tệ của mỗi nước.

 

Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), ông Haruhiko Kuroda nhận định, chính phủ các nước châu Á đã ứng phó nhanh chóng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thông qua các chính sách thuế khóa, tiền tệ và tài chính thích hợp. Tuy nhiên, ông Kuroda cũng cảnh báo, cuộc khủng hoảng nếu kéo dài và trở nên trầm trọng hơn sẽ làm gia tăng rủi ro với khu vực tài chính của châu lục này.

 

Trong báo cáo mang tên "Triển vọng phát triển châu Á 2009", ADB dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ trượt từ mức 6,3% năm 2008 xuống 3,4% năm 2009, trong khi mức kỷ lục lập năm 2007 là 9,5%. Đặc biệt, tình trạng sa sút của kinh tế thế giới đang ngày một trầm trọng hơn do dịch cúm A/H1N1 đang lan rộng.

 

Trong phiên họp ngày 3/5 vừa qua, ASEAN+3 cũng đã nhất trí thiết lập Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIM), do ADB điều hành, với số vốn ban đầu 500 triệu USD, để bảo lãnh cho các trái phiếu doanh nghiệp, với mục đích phát triển các thị trường trái phiếu ở châu Á và ngăn chặn luồng vốn đổ ra ngoài.


TTXVN

Tin cùng chuyên mục