Ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại, Mỹ chi 16 tỷ USD cho nông dân

Chính quyền Tổng thống Trump sẽ bắt đầu chi 16 tỷ USD để hỗ trợ cho các nông dân bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ - Trung từ đầu tháng 8 trong bối cảnh hai bên nối lại đàm phán thương mại.
Anh William Hejl đang kiểm tra cánh đồng trồng đậu nành của mình tại thành phố Amenia, bang North Dakota, trong ảnh chụp ngày 6-7-2018 - Ảnh: REUTERS Anh William Hejl đang kiểm tra cánh đồng trồng đậu nành của mình tại thành phố Amenia, bang North Dakota, trong ảnh chụp ngày 6-7-2018 - Ảnh: REUTERS

Ngày 25-7 (giờ Mỹ), chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ các thông tin chi tiết về gói hỗ trợ 16 tỉ USD cho những nông dân chịu thiệt hại từ thương chiến Mỹ - Trung và bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, theo Đài CNBC.

Theo đó, chương trình của Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ chi 14,5 tỷ USD để trả trực tiếp cho nông dân. Ngoài ra còn có chương trình thu mua lương thực 1,4 tỷ USD và xúc tiến thương mại 300 triệu USD.

Các khoản hỗ trợ sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 8 tới. Chương trình này - vốn đã được công bố hồi tháng 5 - sẽ kéo dài qua mùa thu và mùa đông nếu Mỹ không giải quyết được chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ tiến hành hỗ trợ dựa trên nhiều yếu tố như các vụ nuôi trồng và vị trí địa lý của người nông dân. Một loạt sản phẩm được đưa vào danh sách hỗ trợ gồm đậu nành, bắp, lúa mì, lúa mạch, cây bông, thịt heo…

Phân tích của Hãng tin Reuters cho thấy các nông dân ở vùng châu thổ sông Mississippi chuyên trồng cây bông là những người hưởng lợi lớn nhất từ chương trình trên.

Việc hỗ trợ cho nông dân được xem là nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm củng cố sự ủng hộ ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020. Phần đông nông dân Mỹ lâu nay vẫn là lực lượng ủng hộ trung thành của các ứng viên đảng Cộng hòa.

Dù các hoan nghênh chương trình hỗ trợ trên, nhóm công nông tiếp tục kêu gọi chính quyền ông Trump kết thúc thương chiến với Trung Quốc và thực hiện các thỏa thuận với những thị trường xuất khẩu hàng đầu.

Các thành viên đảng Dân chủ đã chỉ trích gói hỗ trợ, vì cho rằng cái người nông dân Mỹ cần là thương mại công bằng thay vì sự cứu trợ tài chính. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue khẳng định nông dân Mỹ là những người chịu thiệt hại nặng hơn cả do thương chiến, do đó gói hỗ trợ mới được đưa ra là chính đáng.

Trung Quốc nhượng bộ trước đàm phán?

Trong một diễn biến liên quan, Hãng tin Bloomberg ngày 25-7 dẫn các nguồn thạo tin cho biết chính phủ Trung Quốc đã đồng ý cho phép các công ty nội địa mua bông, bắp, cao lương và thịt heo từ Mỹ mà không phải chịu mức thuế nhập khẩu trả đũa đang được Bắc Kinh áp dụng với hàng hóa Mỹ.

Trong số này, một số công ty được cho phép mua tổng cộng tới 50.000 tấn bông của Mỹ mà không phải trả mức thuế nhập khẩu 25%.

Động thái này diễn ra theo sau thông tin tiết lộ Trung Quốc đồng ý mua khoảng 3 triệu tấn đậu nành từ Mỹ mà không áp thuế trả đũa. Các nguồn tin tiết lộ có khả năng Bắc Kinh áp dụng vòng miễn thuế thứ hai dựa trên những tiến triển của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dự kiến sẽ đến Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 29-7 để bắt đầu vòng đàm phán cấp cao trực diện đầu tiên kể từ khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ hồi tháng 5.

Sở dĩ thành phố Thượng Hải được chọn làm địa điểm đàm phán một phần vì đây là nơi Mỹ - Trung thống nhất ra thông cáo chung khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 1972.

Giới quan sát cũng đánh giá thay vì trung tâm chính trị Bắc Kinh, việc lựa chọn thành phố Thượng Hải cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang muốn nhấn mạnh vào yếu tố thương mại, thay vì chính trị trong thương chiến.


tuoitre.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục