Ai Cập, nơi những “kim tự tháp” mới đang được hoàn thành

Trên vùng đất miên man cát và đá của châu Phi, những kim tự tháp Ai Cập đã sừng sững tồn tại qua hàng ngàn năm tuổi, trở thành những kỳ quan kỳ vĩ của thế giới. Hôm nay, vẫn trên vùng đất này, tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới Siemens (Đức) đang dựng thêm những kỳ quan mới.
Trong tiết trời nắng nóng của sa mạc, luôn có khoảng 20.000 lao động làm việc liên tục trên các công trường Trong tiết trời nắng nóng của sa mạc, luôn có khoảng 20.000 lao động làm việc liên tục trên các công trường

Kỳ quan đứng giữa những kỳ quan

Tổ hợp 3 nhà máy điện chu trình hỗn hợp chạy bằng khí với công suất lên tới 14,4 GW đang hoàn thành những giai đoạn cuối cùng. Dự án điện đầy tham vọng mà Ai Cập ký với Siemens là dự án lớn nhất thế giới được gọi là “Egypt Megaproject”, sau khi hoàn thành sẽ giúp tăng tổng công suất điện của Ai Cập thêm 45% và cung cấp điện cho 45 trên tổng số hơn 90 triệu dân của đất nước này.

Kỷ lục về công suất, thời gian và khối lượng xây dựng, đồng thời cũng giữ luôn kỷ lục thế giới về chi phí đầu tư: xấp xỉ 8 tỷ euro. Chính phủ Ai Cập đã sử dụng vốn vay ưu đãi để đặt hàng Siemens thực hiện theo phương thức “chìa khóa trao tay”.

Số tiền đầu tư này là rất lớn đối với một đất nước đang trong giai đoạn cải cách kinh tế, nhưng thể hiện quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Ai Cập, nhằm xóa bỏ tình trạng thiếu điện để phát triển sản xuất, thu hút đầu tư và công nghiệp hóa đất nước.

Để hình dung mức độ lớn của “siêu dự án” này, có thể làm phép so sánh nhỏ, 14,4 GW tương đương với hơn 1/3 tổng công suất điện của Việt Nam tính tới cuối năm 2016 (khoảng gần 39 GW). Và tổ hợp này tạo ra lượng điện gấp 20 lần nhà máy điện chu trình hỗn hợp được coi là quy mô lớn tại Việt Nam là Nhơn Trạch 2 (cũng sử dụng công nghệ của Siemens).

Những con số ấn tượng

Ba nhà máy điện tại Ai Cập gồm Beni Suef, Burullus và New Capital, phục vụ 3 địa bàn khác nhau.

Beni Suef, nằm ở phía Nam TP. Cairo (thủ đô của Ai Cập), có công suất 4,8 GW, phục vụ nhu cầu của dân cư ở tại các vùng Thượng và Nam Ai Cập, cung cấp điện cho các làng tại nông thôn và khu vực hẻo lánh cũng như cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như xi măng và kim loại.

Nhà máy New Capital phục vụ năng lượng cho thủ đô mới của Ai Cập với quy mô dân số khoảng 5 triệu người.

Nhà máy cuối cùng là Burullus, đặt tại phía Bắc Ai Cập, sát biển Địa Trung Hải, cung cấp điện cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng tại Kafr El Sheikh và Alexandra, bao gồm ngành công nghiệp sản xuất dầu và khí và xi măng.

Ai Cập, nơi những “kim tự tháp” mới đang được hoàn thành ảnh 1

Tổ hợp 3 nhà máy điện khí chu trình kết hợp được trang bị công nghệ mới nhất là 24 tua khí thế hệ H có hiệu suất trên 60%  

Theo ông Thierry Toupin, Tổng giám đốc Egypt Megaproject, Dự án đang có tiến độ thực hiện rất tốt. Chỉ 18 tháng sau thời điểm ký kết hợp đồng, Siemens đã lập nên một kỷ lục thế giới mới về xây dựng các nhà máy điện nhanh. Cùng với các đối tác địa phương là Công ty Xây dựng Orascom và Công ty Elsewedy Electric, Siemens đã vượt mục tiêu cam kết ban đầu khi hòa 4,8 GW vào lưới điện của Ai Cập.

Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2018, tức là chỉ sau 3 năm từ khi bắt đầu xây dựng, tổ hợp 3 nhà máy điện khí chu trình kết hợp này sẽ giúp tăng công suất điện của Ai Cập thêm 14,4G W. Điều ấn tượng của “Mega Project” này không chỉ nằm ở con số, mà còn ở mức độ kỳ vĩ trong xây dựng và lắp đặt máy móc, điều chỉ có thể tìm thấy qua thực tế tham quan.

Tại các công trường xây dựng, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên ở mức khoảng 40 độ C, có thời điểm gần 50 độ C, nhưng hơn 20.000 con người vẫn lao động nhịp nhàng để tạo ra kỷ lục thế giới về tốc độ xây dựng nhà máy điện.

Tại Nhà máy Beni Suef, các kỹ sư và công nhân phải đào và di dời khoảng 1.750.000 m3 đá, tương đương với khối lượng đá để xây dựng một Kim tự tháp Giza cỡ nhỏ, mà người Ai Cập cổ đại cần làm liên tục trong vòng 23 năm.

Để xây dựng nhà máy Beni Suef, lượng đất đá cần đào bới và di dời tương đương 1 kim tự tháp Giza cỡ nhỏ 

Còn tại New Capital, Siemens đã phát triển nhiều giải pháp mới (chưa từng được áp dụng trước đây tại Ai Cập), nhằm giải quyết các điều kiện thách thức tại điểm xây dựng nhà máy, ví dụ như việc áp dụng công nghệ “Làm mát bình ngưng bằng không khí”, nhằm bù đắp cho sự thiếu nước do nhà máy nằm xa sông Nile.

Còn Burullus, nhà máy được coi là quy chuẩn trong xây dựng nhà máy chìa khóa trao tay hiện đại, theo ông Thierry Toupin, đây được coi là một trong những công trình xây dựng phức tạp nhất trên thế giới.

“Mặc dù được xây dựng trên nền đất muối mặn, chúng tôi đã thành công trong việc thực hiện dự án chỉ trong vòng 18 tháng. Đây là con số rất tự hào, bởi một dự án với những khó khăn về mặt kỹ thuật như vậy thường mất 1,5 năm cho việc chuẩn bị mặt bằng để xây dựng, chưa tính thời gian lắp đặt thiết bị kỹ thuật. Bên cạnh đó, những khó khăn về khí hậu và điều kiện địa chất cũng là những thách thức lớn mà chúng tôi phải vượt qua”, ông Thierry Toupin nói.

Và hơn thế nữa

“Đây là một dự án độc nhất vô nhị trong lịch sử Siemens”, ông  Emad Ghaly, Tổng giám đốc Công ty Siemens Ai Cập  khẳng định điều này không chỉ một lần với các vị khách quốc tế tới tham quan công trường xây dựng.

3 nhà máy điện nêu trên chỉ là phần lõi của siêu dự án năng lượng này, Siemens còn cung cấp  đến 12 trang trại điện gió cho khu vực vịnh Suez và khu vực phía Tây sông Nile, bao gồm khoảng 600 tuabin gió và công suất đặt là 2 GW.

Đồng thời, một cơ sở sản xuất cánh quạt tại vùng Ain Soukhna của Ai Cập cũng được xây dựng, nhờ vậy sẽ tạo ra cơ hội đào tạo và việc làm cho khoảng 1.000 người. Cơ sở này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa sau năm 2017.

Siemens và các đối tác của mình đang hỗ trợ mạnh mẽ công cuộc phát triển kinh tế của Ai Cập thông qua việc sử dụng hiệu quả khí tự nhiên và các công nghệ tái tạo, để tạo ra một tổ hợp năng lượng bền vững, đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, Siemens còn xây dựng một trung tâm đào tạo tại Ai Cập. Khi được hoàn thành, cơ sở đặt tại Ahin Sokhna này sẽ phục vụ công tác đào tạo cho 5.500 kỹ thuật viên và kỹ sư được tuyển chọn trong bốn năm tới. Họ sẽ được đào tạo những kỹ năng cao cấp như vận hành, bảo trì và sửa chữa  ở lĩnh vực điện, cùng với nhiều lĩnh vực khác như tự động hóa và điều khiển, cơ điện tử và những lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế Ai Cập.

Nhằm kết nối lượng điện được sản xuất bởi các nhà máy điện của Siemens cho mạng lưới điện, Siemens và Elsewedy Electric đã ký một hợp đồng với Công ty Truyền tải điện Ai Cập nhằm xây dựng 6 trạm biến áp cách điện khí 550 kV.

Các trạm biến áp tiên tiến này sẽ được đặt tại El Minia, El Beheira, Qualubia, Assiut và Kafr El Zayat. Trong 6 trạm được ký kết, trạm biến áp 500/220 kV tại Maghagha và Etay El- Baroud đã được hoàn thành và sẵn sàng nối lưới, những trạm còn lại đang được hoàn thành theo đúng thời gian dự kiến.

“Sự phồn vinh luôn bắt đầu từ năng lượng”, ông Emad Ghaly nhấn mạnh.

Theo ông, với những hợp đồng chưa từng có này, Siemens và các đối tác của mình đang hỗ trợ mạnh mẽ công cuộc phát triển kinh tế của Ai Cập thông qua việc sử dụng khí tự nhiên một cách hiệu quả và các công nghệ tái tạo để tạo ra một tổ hợp năng lượng bền vững, đáng tin cậy, với giá cả phải chăng cho tương lai của đất nước Ai Cập.

Ai Cập vẫn nắng chói chang và mọi thứ nơi đây toàn màu cát, từ sa mạc tới các ngôi nhà sơn màu vàng cát, chỉ có sông Nile với 2 bờ xanh mát như một dải lụa mềm băng qua sa mạc. Nhưng với những công trình năng lượng mới đầy tham vọng, màu đỏ trắng của ống khói các nhà máy điện đang mọc lên và mang lại sức sống mới đầy mãnh liệt cho đất nước đã từng là đỉnh cao của lịch sử nhân loại một thời vang bóng.

Ai Cập không chỉ kỳ vĩ bởi các Kim tự tháp, mà giờ đây, còn nổi tiếng hơn với những công trình năng lượng thuộc hàng lớn nhất thế giới đang gấp rút được hoàn thành.

Tổ hợp 3 nhà máy điện khí chu trình kết hợp được trang bị công nghệ mới nhất là 24 tua khí thế hệ H có hiệu suất trên 60% và công suất đầu ra là 400 MW, các nhà máy này giúp tiết kiệm khoảng 1,3 tỷ USD từ chi phí nhiên liệu mỗi năm, đồng thời rất thân thiện với môi trường.

Để xây dựng tổ hợp 3 nhà máy điện, hơn 1,6 triệu tấn nguyên vật liệu khác nhau được vận chuyển từ khắp nơi trên thế giới đến Ai Cập. Có 1.762 nhà cung cấp trên toàn cầu, trong đó có 781 nhà cung cấp và nhà thầu địa phương tham gia vào dự án.

Tuấn Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục