Ả Rập Xê út “thắt” nguồn cung dầu tới Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lần thứ 2 trong 3 năm qua, Ả Rập Xê út cắt giảm lượng dầu thô cung cấp cho Mỹ với mục tiêu nhanh chóng cân bằng lại cung - cầu tại thị trường tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Các thành viên thị trường dầu thường theo sát số liệu dự trữ dầu Mỹ (công bố theo tuần với khoảng thời gian thống kê từ thứ Sáu tuần trước tới thứ Tư tuần tiếp theo), bởi đây là số liệu cập nhật nhanh nhất những thay đổi về sự cân bằng của thị trường dầu, ảnh hưởng tới các quyết định giao dịch, cũng như tác động tới giá dầu thô trên toàn cầu.

Dòng chảy dầu vào và ra khỏi các cảng biển Mỹ có tác động lớn tới lượng dầu dự trữ tại đây. Những biến động mới nhất cho thấy, Ả Rập Xê út vừa quyết định lặp lại chính sách từng thực hiện vào năm 2017 khi hạn chế nguồn cung dầu tới Mỹ, từ đó thúc đẩy sự cân bằng cung - cầu trên thị trường lớn nhất thế giới này với kỳ vọng giá dầu sẽ có sự hồi phục tích cực như cách đây 3 năm.

Trước đó, trong 5 tuần từ 20/3 - 24/4/2020, lượng dầu dự trữ tại Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2,1 triệu thùng/ngày và tới tuần đầu tiên của tháng 6 đã tạo đỉnh mới. Tính từ đầu năm tới tháng 6, lượng dầu thương mại dự trữ đã tăng hơn 25%.

Trên thị trường toàn cầu, tính tới cuối tháng 6/2020, lượng dự trữ ước tính vượt quá 2,7 triệu thùng so với mức cuối năm 2013, cao gấp 4 lần so với mức dư thừa khi cuộc cách mạng dầu đá phiến đầu tiên bùng nổ vào đầu năm 2017 - thời điểm giá dầu tụt dốc xuống 25 USD/thùng.

Việc lượng dầu dư thừa quá lớn đã tạo áp lực kéo lùi giá dầu, nhất là khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo dự trữ theo tuần. Những thị trường khác trên thế giới thường thiếu các thông tin cập nhật, thậm chí không công bố thông tin. Chẳng hạn, Trung Quốc đã ngừng tiết lộ mức dự trữ dầu kể từ năm 2017 tới nay.

Chứng kiến lượng dầu dự trữ tại Mỹ đạt đỉnh, không bất ngờ khi Ả Rập Xê út quyết định tập trung “cắt nguồn cung” vào thị trường này. Trong khoảng thời gian tháng 5 - 6/2020, các tàu chở dầu từ Ả Rập Xê út rời khỏi vùng Vịnh hướng về phía các bờ biển phía Tây nước Mỹ gần như hàng ngày, thậm chí nhiều chuyến mỗi ngày. Tuy nhiên, theo lịch trình tháng 7 - 8, lượng tàu nhanh chóng giảm xuống còn chưa tới 1 chuyến/tuần.

Ả Rập Xê út “thắt” nguồn cung dầu tới Mỹ ảnh 1

Sau khi đạt đỉnh cao nhất 6 năm, lượng dầu nhập khẩu từ Ả Rập Xê út của Mỹ nhanh chóng giảm xuống.

Ðáng chú ý, lượng dầu nhập khẩu từ Ả Rập Xê út của Mỹ trong tuần cuối tháng 7 chỉ còn chưa tới 190.000 thùng/ngày, mức thấp thứ hai kể từ khi các số liệu theo tuần được công bố cách đây 1 thập kỷ.

Con số này sẽ tiếp tục giảm trong những tuần tới, khi chỉ có 6 tàu chở dầu mang theo 9 triệu thùng dầu từ Ả Rập Xê út cập bến cảng Mỹ, theo số liệu tổng hợp từ Bloomberg. Với lịch trình khoảng 6 tuần, số dầu này sẽ cập cảng vào giữa tháng 9.

Bên cạnh đó, theo bảng giá dầu giao sau tháng 9, dù giảm giá mạnh đối với các khách hàng châu Âu để cạnh tranh với nguồn cung dầu từ Nga, cũng như chiết khấu cao cho khách hàng tại châu Á, nhưng Ả Rập Xê út vẫn giữ nguyên giá đối với khách hàng Mỹ kể từ tháng 7.

Với động thái này, Ả Rập Xê út khiến dầu thô nhập khẩu từ đây vào Mỹ không đủ sức cạnh tranh với các loại dầu khác từ vịnh Mexico, hoặc nhập khẩu từ Canada - những loại dầu có độ chua cao hơn và thường không được đánh giá cao như dầu thô từ Ả Rập Xê út.

Sự thay đổi chiến thuật của “Vương quốc dầu mỏ” có một mục tiêu duy nhất: Lặp lại thành tích đã từng đạt được năm 2017.

Cụ thể, nửa đầu năm 2017, dầu đá phiến bùng nổ khiến giá dầu nhanh chóng giảm xuống 25 USD/thùng từ mức trên 70 USD/thùng trước đó. Ả Rập Xê út lúc này đã “thắt” nguồn cung dầu thô sang Mỹ để nhanh chóng tái cân bằng cung - cầu.

Kết quả, vào nửa cuối năm 2017, giá dầu đã tăng khoảng 51%, từ mức 44,82 USD/thùng vào giữa tháng 6 lên 67,87 USD/thùng cho tới cuối năm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang phủ bóng đen lên nhu cầu tiêu thụ năng lượng, mục tiêu mà Ả Rập Xê út muốn đạt được trở nên thách thức hơn nhiều so với cách đây 3 năm.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục