5 yếu tố đe dọa Nhân dân tệ năm 2017

(ĐTCK) Tuần vừa qua, giới chức Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm rõ ràng rằng, họ không muốn bất kỳ điều ngạc nhiên nào xảy ra với đồng nhân dân tệ trong năm 2017.
5 yếu tố đe dọa Nhân dân tệ năm 2017

Các quy định thắt chặt dòng vốn vào – ra được áp dụng trong thời gian qua đã chế ngự nhu cầu ngoại tệ của Đại lục, giúp chỉ số đo lường mức độ bất ổn của đồng nhân dân tệ hiện ở mức thấp nhất trong số các thị trường mới nổi. Với diễn biến này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Yi Gang trong tuần qua, tại 3 sự kiện khác nhau, nhấn mạnh nhân dân tệ đang giao dịch “ổn định”, trong khi người đồng sự Pan Gongsheng nhận định, thị trường tiền tệ hiện rất “vững chắc”.

Tuy nhiên, không được lạc quan như giới chức tiền tệ Trung Quốc, các chuyên gia tài chính chỉ ra 5 mối đe dọa tiềm ẩn có thể gây bất ổn cho đồng nhân dân tệ năm 2017.

“Diều hâu” Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là mối đe dọa riêng lẻ lớn nhất đối với nhân dân tệ năm nay, theo Gao Qi, chiến lược gia tiền tệ tại Scotiabank (Singapore).

Hiện tại, nhân dân tệ đang đối diện với áp lực kép từ việc Fed có thể nâng lãi suất thêm 3 lần năm 2017 và khả năng Đại lục cho phép đồng nội tệ được dao động trong biên độ lớn hơn vào kỳ họp quốc hội vào giữa tháng 3.

Trong tuần qua, chỉ số đo sức mạnh đồng USD của Bloomberg đã tăng 1%, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 20/12/2016, nhờ kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất trong phiên họp cuối tháng 3.

“Trong bối cảnh này, PBOC sẽ không đủ sức để tiếp tục hỗ trợ nhân dân tệ khi quỹ dự trữ ngoại tệ của Đại lục đã rơi xuống dưới 3 nghìn tỷ USD”, Aidan Yao, nhà kinh tế học cấp cao tại AXA Investment Managers Asia Ltd cho biết.

Trong khi đó, Fiona Lim, chiến lược gia trưởng về tiền tệ tại Malayan Banking Bhd (Singapore) nhận định, đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá khoảng 0,5% so với USD trong tháng 3 và các quan chức PBOC nên nới lỏng biên độ dao động, để đồng nhân dân tệ được “thả lỏng” hơn, thay vì bất ngờ hạ giá nội tệ như từng làm vào tháng 8/2015.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trước và sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, có một điều ông Trump tỏ ra rất nhất quán đó là quan điểm Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, cũng như lời hứa sẽ đánh thuế vào các mặt hàng nhập khẩu từ Đại lục.

Trong bối cảnh này, một “cuộc chiến thương mại” sẽ là yếu tố gây tổn hại rất lớn tới nền kinh tế lớn nhất châu Á, làm giảm sút thặng dư tài khoản vãng lai, gây bất ổn cho đồng nhân dân tệ và cản bước quá trình tái cấu trúc, Chen Xingdong, nhà kinh tế học tại BNP Parisbas SA cho biết.

Tăng trưởng kinh tế “xảy chân”

Nền kinh tế Trung Quốc đã khởi động năm mới 2017 với nhiều diễn biến tích cực, chẳng hạn, giá cả sản xuất tăng nhanh nhất kể từ năm 2008 và hoạt động sản xuất nhộn nhịp trở lại.

Tuy nhiên, Sue Trinh, chiến lược gia trưởng thị trường ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets (Hong Kong) cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2017, Trung Quốc cần hạ giá thêm nhân dân tệ và phụ thuộc nhiều hơn vào các công cụ đòn bẩy.

Không thể mãi kiểm soát dòng vốn

Trung Quốc đã đẩy mạnh việc sử dụng nhiều biện pháp kiểm soát dòng vốn kể từ tháng 12/2016, bao gồm yêu cầu ngân hàng dừng hoạt động thanh toán bằng nhân dân tệ xuyên biên giới, ngăn chặn các khoản đầu tư ra nước ngoài có giá trị trên 10 tỷ USD.

Mặc dù vậy, theo Ken Cheung, chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Bank Ltd, các biện pháp kiểm soát dòng vốn có thể sẽ được nới lỏng hơn trong nửa cuối năm 2017, bởi Đại lục đang nuôi tham vọng đưa nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Và nếu như vậy, tình trạng dòng vốn tháo chạy ra nước ngoài có thể tái diễn với cường độ mạnh hơn, tạo áp lực lên sức mạnh của nhân dân tệ.

Xung đột khu vực

Trung Quốc nổi giận với Mỹ vì kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc, kiềm chế du lịch tới quốc gia láng giềng phía Đông và có thái độ không tích cực với các công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Đại lục.

Mặc dù diễn biến này chưa có tác động rõ ràng tới giao dịch của nhân dân tệ, nhưng nếu những xung đột này tiếp tục gia tăng và các quốc gia khác trong khu vực dính líu tới, mọi đồng tiền tại các thị trường mới nổi châu Á đều sẽ bị tổn hại, bao gồm cả Trung Quốc, Gao Qi tại Scotiabank cho biết.

Theo khảo sát 45 chuyên gia tiền tệ của Bloomberg, trung bình trong năm nay, nhân dân tệ sẽ giảm giá 2,2% so với USD.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục