Thị trường chờ Luật nới room
Chuyện nới room trên TTCK Việt Nam luôn là câu chuyện đầu tiên và được quan tâm nhất trong tất cả các diễn đàn đầu tư của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các tổ chức lớn như Dragon Capital, VinaCapital cùng nhiều định chế tài chính trung gian đã nhiều lần lên tiếng kiến nghị và chờ đợi một khung pháp lý thống nhất, đủ mạnh về tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (room) trong DN Việt Nam. Tuy nhiên, trước ngày Quốc hội thảo luận về dự án luật này, ghi nhận từ các thành viên thị trường cho thấy tâm lý nhà đầu tư có phần bi quan, khi chưa nhìn thấy rõ quyết sách xử lý vướng mắc này.
Ông Nguyễn Viết Thịnh, nhà đầu tư chứng khoán lâu năm chia sẻ, dự thảo Luật mới dừng lại ở tháo gỡ một số vướng mắc hiện hữu, chưa có các nội dung mang tính đột phá, mở đường cho 5 - 10 năm tới. Ngay cả với giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, tại dự thảo Luật vẫn chưa thể hiện rõ tư duy rộng cửa gọi vốn ngoại vào Việt Nam.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán và giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể về nội dung này, thay vì quy định chi tiết về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài…
Cách quy định như trên, chẳng khác gì… hiện tại. Nguyên nhân dự thảo Luật Chứng khoán chưa thể đáp ứng kỳ vọng của thị trường về giải quyết vướng mắc trong câu chuyện nới room đã được ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giải thích: “Ở đây cần nói rõ rằng, Luật Chứng khoán không thể và không quyết được việc nới room (quyết định tỷ lệ cổ phần nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu) cho các ngành nghề trong nền kinh tế, mà phải do luật chuyên ngành chốt. Bởi vậy, để gỡ vướng cho nới room, điều quan trọng là đòi hỏi các bộ quản lý chuyên ngành cần rà soát tổng thể để đưa ra có hay không thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần của bên nước ngoài. Trên cơ sở danh mục ngành nghề mà bên nước ngoài được phép tham gia đầu tư và được nắm giữ tỷ lệ cổ phần đến bao nhiêu thì pháp luật về chứng khoán mới xử lý về kỹ thuật…”.
Chờ tư duy nâng tầm thị trường
Liên quan đến hiện trạng nhiều quy định trong luật còn mang tính khung, không cụ thể, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một công ty chứng khoán kỳ vọng, các đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện tư duy nâng tầm thị trường, thông qua việc yêu cầu khắc phục những quy định còn chung chung và đưa ra một quy chuẩn, một nền tảng pháp lý đủ sức giúp TTCK Việt Nam nâng hạng và hội nhập.
Nếu Luật cứ chung chung thể hiện qua những câu từ như: có dấu hiệu thao túng, giao dịch nội gián; có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng…, nhưng lại không đưa ra một số dấu hiệu cụ thể là gì, thì sẽ rất khó mang lại tác động lớn và tích cực đến câu chuyện thị trường.
Về phía cơ quan soạn thảo, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, đặc thù hoạt động của lĩnh vực chứng khoán cần sự linh hoạt, nên các nội dung giao Chính phủ hướng dẫn liên quan đến trình tự, thủ tục, mà nếu đưa vào Luật thì phải đợi nhiều thời gian nếu muốn sửa đổi, trong khi như thế thì diễn biến thị trường đã đi một bước xa.
Cũng theo bà Phương, ở các nước, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán được chủ động ban hành những quy định để điều chỉnh hoạt động của thị trường ngay lập tức trước những tình huống cụ thể. Ở Việt Nam, phương thức này được thể hiện dưới dạng các nội dung hướng dẫn quy định ở các thông tư.
Vì luật không đảm bảo tính linh hoạt, do khoảng 5 - 10 năm mới sửa, trong khi đặc thù hoạt động của thị trường chứng khoán lại đòi hỏi tính linh hoạt cao, nên cơ quan soạn thảo đề xuất một số nội dung giao Chính phủ hướng dẫn. Điều này tạo dư địa hợp lý cho ban hành cơ chế điều hành phát triển thị trường.
Cơ quan soạn thảo cũng chờ đợi những gợi mở, phản biện dự án Luật để định hình rõ hơn nền tảng pháp lý, giúp TTCK thực hiện mục tiêu phát triển dài hạn, trong đó có việc nâng quy mô thị trường lên 120% GDP vào năm 2025 và thu hút 5% dân số tham gia đầu tư chứng khoán.